Đau rát hoặc cảm giác nóng rát thường xảy ra ở đầu gối sau chấn thương, chấn thương do vận động quá mức hoặc căng cơ. Nghỉ ngơi, chườm đá, thuốc không kê đơn và nẹp đầu gối có thể giúp giảm triệu chứng, nhưng một số người có thể cần điều trị y tế.

Đau rát có thể xảy ra ở nhiều nơi trên đầu gối. Đối với nhiều người, mặt trước và mặt sau đầu gối là những vị trí thường có cảm giác nóng rát nhất. Tuy nhiên, hai bên đầu gối cũng có thể có cảm giác nóng rát.

Cảm giác nóng rát ở bất kỳ phần nào của đầu gối thường cho thấy có một vấn đề nghiêm trọng hơn cần được khám và điều trị.

Bài viết này mô tả một số nguyên nhân phổ biến gây đau rát ở đầu gối và cách điều trị.

Vị trí của cơn đau

Cảm giác nóng rát ở đầu gối: nguyên nhân và điều trị

Vị trí đau ở đầu gối có thể cung cấp một số manh mối về nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu gối.

Đau ở phía trước của đầu gối

Đau rát ở phía trước của đầu gối có thể xảy ra do các bệnh lý như:

  • viêm gân
  • nhuyễn sụn xương bánh chè (chondromalacia)
  • hội chứng đau xương bánh chè (patellofemoral pain syndrome; viết tắt: PFPS)
  • viêm bao hoạt dịch (bursitis)
  • viêm khớp
  • chấn thương thần kinh, chẳng hạn như viêm dây thần kinh

Đau ở mặt bên của đầu gối

Nếu bạn bị đau rát ở mặt bên của đầu gối, nguyên nhân có thể là hội chứng dải chậu chày (iliotibial band syndrome) hoặc viêm bao hoạt dịch các cơ chân ngỗng (pes anserine bursitis).

Đau ở phía sau của đầu gối

Đau rát phía sau đầu gối có thể là do:

  • tập thể dục quá mức hoặc sử dụng đầu gối quá mức
  • rách dây chằng
  • rách sụn
  • u nang Baker

Chi tiết về nguyên nhân và cách điều trị

Các phần sau đây cung cấp thông tin chi tiết về một số nguyên nhân phổ biến gây đau đầu gối và cách điều trị chúng.

1. Rách sụn đầu gối

Sụn ​​​​đầu gối (meniscus) tạo ra lớp đệm cho khớp trong các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy và nhảy. Nếu một lực tác động mạnh vào khu vực này, hoặc khi khớp bị vặn mạnh, nó có thể làm rách sụn đầu gối, gây đau hoặc cảm giác nóng rát.

Rách sụn chêm đầu gối
Rách sụn chêm đầu gối

Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho tình trạng rách sụn đầu gối. Thông thường, các bước đầu tiên là dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil), nghỉ ngơi và thử các bài tập tăng cường cơ bắp.

Nếu các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ hoặc nhóm chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị tiêm steroid vào đầu gối hoặc các phương án phẫu thuật như:

  • Làm sạch đầu gối: Bác sĩ sẽ cắt lọc bất kỳ phần sụn lỏng lẻo nào và rửa sạch vùng đó bằng nước muối.
  • Tạo hình sụn đầu gối (knee chondroplasty): Bác sĩ phẫu thuật sẽ làm nhẵn sụn để giảm ma sát.
  • Cấy ghép tế bào sụn tự thân (autologous chondrocyte implantation): Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt lấy một mảnh sụn và nuôi dưỡng nó, rồi ghép nó trở lại đầu gối để nó phát triển.
  • Ghép xương sụn tự thân (osteochondral autograft transplantation): Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy sụn từ một vùng không chịu trọng lượng và ghép vào đầu gối.

2. Rách dây chằng đầu gối

Rách dây chằng đầu gối có thể xảy ra do chấn thương do lực bên ngoài tác động vào đầu gối. Những người chơi khúc côn cầu, bóng đá hoặc các môn thể thao cường độ cao khác có nguy cơ bị rách hoặc kéo dây chằng đầu gối cao hơn.

Rách dây chằng đầu gối
Rách dây chằng đầu gối

Các bác sĩ phân loại vết rách dây chằng theo mức độ nghiêm trọng của chúng. Rách một phần có thể cần điều trị ít hơn so với vết rách nghiêm trọng. Một số lựa chọn điều trị cho vết rách một phần bao gồm:

  • sử dụng nẹp bảo vệ đầu gối
  • thử các hoạt động tăng cường cơ bắp
  • giảm bớt các hoạt động có thể gây thêm thiệt hại

Nếu vết rách rất nghiêm trọng hoặc không cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị các phương án phẫu thuật.

3. Nhuyễn sụn xương bánh chè (chondromalacia)

Nhuyễn sụn xương bánh chè xảy ra khi sụn đầu gối bị thoái hóa, tạo ra ít lớp đệm cho khớp hơn. Tình trạng nhuyễn sụn xương bánh chè rất phổ biến ở những người chạy bộ và những người thường xuyên gây áp lực và căng thẳng lên đầu gối của họ.

Nhuyễn sụn xương bánh chè
Nhuyễn sụn xương bánh chè

Các bước đầu tiên trong điều trị thường bao gồm các liệu pháp giúp giảm đau, giảm sưng tấy và giúp đầu gối mau lành. Một số phương pháp điều trị bao gồm:

  • dùng thuốc giảm đau không kê đơn
  • chườm túi nước đá để giảm sưng
  • căn chỉnh xương bánh chè bằng nẹp, ống bọc theo xương bánh chè, hoặc băng
  • để khớp gối nghỉ ngơi

Nếu đầu gối không cải thiện, đội ngũ chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị phẫu thuật nội soi khớp. Phẫu thuật được thực hiện để làm sụn phẳng mịn, để nó lành lại nhanh hơn.

4. Viêm xương khớp (osteoarthritis)

Viêm xương khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất ở nước ta.

Tình trạng này có thể xảy ra ở hầu hết mọi khớp, nhưng phổ biến nhất là ở hông, bàn tay và đầu gối.

Viêm xương khớp có đặc trưng là sự hao mòn của sụn bảo vệ ở khớp. Không thể đảo ngược bệnh viêm xương khớp, nên cuối cùng bệnh nhân có thể phải thay khớp.

Một số phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh viêm xương khớp bao gồm:

  • thuốc giảm đau và giảm sưng không kê đơn
  • tiêm cortisone
  • vật lý trị liệu
  • tiêm chất bôi trơn

5. Viêm gân bánh chè (patellar tendinitis)

Viêm gân bánh chè là một chấn thương ở gân nối xương bánh chè với ống chân. Nó có thể gây ra cảm giác nóng rát và đau ở phía trước đầu gối.

Vị trí gân bánh chè
Vị trí gân bánh chè

Có một số bước điều trị bạn có thể thực hiện để điều trị viêm gân bánh chè, bao gồm:

  • chườm túi nước đá để giảm sưng
  • nghỉ ngơi sau khi chạy và nhảy
  • thử các bài tập tập trung vào cơ bắp chân trên
  • dùng thuốc giảm đau không kê đơn
  • đeo dây đeo hỗ trợ gân bánh chè, giúp giảm áp lực lên gân
  • kéo giãn để kéo dài gân-cơ

Nếu những liệu pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị xâm lấn hơn, chẳng hạn như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc thủ thuật kim dao động (oscillating needle procedure).

dây đeo hỗ trợ gân bánh chè
Dây (đai) đeo hỗ trợ gân bánh chè

6. Hội chứng dải chậu chày

Hội chứng dải chậu chày (iliotibial band syndrome; viết tắt: ITBS) thường xảy ra ở những người chạy bộ. Hội chứng này xảy ra khi các mô liên kết dọc theo chiều dài của đùi cọ sát vào bên ngoài đầu gối trong quá trình chạy và các hoạt động thể chất khác.

Hội chứng dải chậu chày có thể khiến bạn cảm thấy đau, nóng rát khi dải này cọ vào một bên đầu gối.

Hội chứng dải chậu chày
Hội chứng dải chậu chày

Không có cách điều trị chính thức cho hội chứng dải chậu chày. Tuy nhiên, những người mắc hội chứng này có thể kiểm soát các triệu chứng bằng các bước sau:

  • nghỉ ngơi sau khi chạy
  • xoa bóp dải chậu chày, cơ tứ đầu và cơ mông
  • tăng cường sức mạnh cơ mông và hông
  • thử vật lý trị liệu
  • dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • chườm túi nước đá
  • tiêm steroid tại chỗ nếu các lựa chọn khác không hiệu quả

7. Hội chứng đau xương bánh chè (patellofemoral pain syndrome)

Hội chứng đau xương bánh chè xảy ra ở phía trước của đầu gối và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu gối. Hội chứng này có thể bắt đầu bằng một cơn đau nhẹ và dần dần tăng lên.

Hội chứng đau xương bánh chè có thể xảy ra ở một hoặc cả hai đầu gối và thường nặng hơn khi hoạt động thể chất.

Một số lựa chọn điều trị cho hội chứng này là:

  • dùng thuốc không kê đơn
  • đeo nẹp hỗ trợ
  • nghỉ ngơi, chẳng hạn như tránh leo cầu thang và quỳ
  • thử các bài tập cho hông, cơ tứ đầu và gân kheo
  • tránh các bài tập dồn dập, chẳng hạn như chạy
  • tập trung vào các bài tập có lực tác động thấp, chẳng hạn như bơi lội hoặc đạp xe tại chỗ

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nội soi khớp.

8. Chấn thương thần kinh

Viêm dây thần kinh hoặc tổn thương dây thần kinh ở đầu gối cũng có thể gây ra cảm giác nóng rát.

Đau dây thần kinh cũng có thể có cảm giác như bị đâm hoặc ngứa ran.

Việc điều trị chấn thương dây thần kinh ở đầu gối phụ thuộc vào kiểu chấn thương và dây thần kinh bị ảnh hưởng. Các bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị sau:

  • thuốc giảm đau không kê đơn
  • thuốc giảm đau theo toa
  • thuốc chống viêm
  • chườm đá lên vùng bị ảnh hưởng
  • tiêm steroid
  • phẫu thuật

Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần được điều trị ngay sau khi bị chấn thương đầu gối. Trong những trường hợp khác, trước tiên bạn nên cố gắng giải quyết cơn đau mà mình gặp phải, chỉ đến gặp bác sĩ khi cơn đau trở nên trầm trọng.

Đối với những chấn thương do đầu gối hoạt động quá mức, giải pháp tốt nhất là nghỉ ngơi, chườm đá và tập trung vào các hoạt động xây dựng cơ bắp không gây căng thẳng cho đầu gối.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cảm thấy đau dù đã nghỉ ngơi, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng của mình.

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ đề xuất các liệu pháp bổ sung, chẳng hạn như liệu pháp vật lý. Trong những trường hợp nghiêm trọng, họ có thể đề xuất các phương án phẫu thuật.

Tóm tắt

Một số nguyên nhân có thể gây đau nhói hoặc cảm giác nóng rát ở đầu gối. Một số chấn thương là cấp tính và có thể bắt đầu gây đau ngay lập tức, trong khi các nguyên nhân khác liên quan đến việc đầu gối hoạt động quá mức và sẽ hình thành dần dần.

Trong nhiều trường hợp, dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chườm túi nước đá và nghỉ ngơi là đủ để giúp ngăn ngừa chấn thương và đau thêm.

Nếu cơn đau không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn, chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị phẫu thuật hoặc các lựa chọn điều trị xâm lấn hơn.