Hẹp van động mạch phổi: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Tổng quan

Hẹp van động mạch phổi là tình trạng hẹp van giữa buồng tim dưới bên phải và các động mạch phổi. Trong trường hợp van tim bị hẹp, các lá van có thể dày lên và cứng hơn, làm giảm lưu lượng máu qua van.

Thông thường, bệnh van động mạch phổi bị gây ra bởi một vấn đề ở tim phát triển trước khi sinh. Một vấn đề về tim khi sinh ra được gọi là dị tật tim bẩm sinh. Ở người lớn, tình trạng hẹp van động mạch phổi có thể là một biến chứng của một bệnh khác.

Hẹp van động mạch phổi có nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng. Một số người bị hẹp van động mạch phổi nhẹ sẽ không có triệu chứng. Họ có thể chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hẹp van động mạch phổi mức độ vừa và nặng có thể cần một thủ thuật để sửa chữa hoặc thay thế van.

Hẹp van động mạch phổi: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị
Hẹp van động mạch phổi (pulmonary valve stenosis). Hình vẽ này cho thấy van động mạch phổi bị thu hẹp. Khi van càng bị thu hẹp thì buồng tim phía dưới bên phải, được gọi là tâm thất phải, càng phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu lên phổi. Áp lực gia tăng này khiến tâm thất phải trở nên dày lên.

Triệu chứng hẹp van động mạch phổi

Các triệu chứng hẹp van động mạch phổi phụ thuộc vào lượng máu bị chặn. Một số người bị hẹp van động mạch phổi nhẹ không có triệu chứng. Những người bị hẹp van động mạch phổi nghiêm trọng hơn có thể nhận thấy các triệu chứng lần đầu tiên khi tập thể dục.

Các triệu chứng hẹp van động mạch phổi bao gồm:

  • Có tiếng rít, được gọi là tiếng thổi tim, có thể nghe được bằng ống nghe.
  • Mệt mỏi.
  • Khó thở, đặc biệt là trong khi vận động.
  • Đau ngực.
  • Ngất xỉu.

Trẻ nhỏ bị hẹp van động mạch phổi có thể có làn da xanh xao hoặc xám do lượng oxy thấp.

Khi nào bạn cần đi khám?

Hãy đi khám với bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có các triệu chứng sau:

  • Hụt hơi.
  • Đau ngực.
  • Ngất xỉu.

Việc chẩn đoán và điều trị chứng hẹp van động mạch phổi kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng.

Nguyên nhân gây hẹp van động mạch phổi

Hẹp van động mạch phổi thường là kết quả của một vấn đề về tim bẩm sinh. Nguyên nhân chính xác là không rõ ràng. Van động mạch phổi không phát triển đúng cách khi em bé lớn lên trong bụng mẹ.

Van động mạch phổi được tạo thành bằng ba mảnh mô mỏng gọi là nắp, hay lá. Các lá này mở ra và đóng lại theo từng nhịp tim. Chúng đảm bảo máu di chuyển đúng hướng.

Trong tình trạng hẹp van động mạch phổi, một hoặc nhiều lá này có thể cứng hoặc dày lên. Đôi khi các lá dính vào nhau, khiến van không mở ra hoàn toàn. Lỗ van nhỏ đi khiến máu khó rời khỏi buồng tim phía dưới bên phải hơn. Áp suất sẽ tăng lên bên trong buồng tim này. Áp lực gia tăng làm căng tim. Cuối cùng thành buồng tim dưới bên phải dày lên.

Các yếu tố rủi ro

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị hẹp van động mạch phổi bao gồm:

  • Bệnh sởi Đức, còn được gọi là rubella. Việc mắc bệnh sởi Đức khi mang thai làm tăng nguy cơ hẹp van động mạch phổi ở trẻ nhỏ.
  • Hội chứng Noonan Tình trạng này là do DNA bị thay đổi. Nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề về cấu trúc và chức năng của tim.
  • Sốt thấp khớp, hay còn gọi là thấp tim (rheumatic fever). Đây là một biến chứng này của viêm họng liên cầu khuẩn, có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tim và van tim. Nó làm tăng nguy cơ phát triển chứng hẹp van động mạch phổi sau này trong đời.
  • Hội chứng carcinoid. Tình trạng này xảy ra khi một khối u ung thư hiếm gặp giải phóng một số hóa chất vào máu. Nó gây khó thở, đỏ bừng mặt và các triệu chứng khác. Một số người mắc hội chứng này phát triển bệnh tim carcinoid; bệnh này gây tổn thương van tim.

Các biến chứng từ chứng hẹp van động mạch phổi

Các biến chứng từ tình trạng hẹp van động mạch phổi bao gồm:

  • Nhiễm trùng màng tim, được gọi là viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng. Những người có vấn đề về van tim, chẳng hạn như hẹp van động mạch phổi, có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do vi khuẩn, xảy ra ở lớp lót bên trong của tim.
  • Nhịp tim không đều, được gọi là rối loạn nhịp tim. Những người bị hẹp van động mạch phổi có nhiều khả năng có nhịp tim không đều. Nếu tình trạng hẹp không nghiêm trọng thì nhịp tim không đều do hẹp van động mạch phổi thường không nguy hiểm đến tính mạng.
  • Sự dày lên của cơ tim. Trong trường hợp hẹp van động mạch phổi nặng, buồng tim dưới bên phải phải bơm mạnh hơn để đẩy máu vào động mạch phổi. Sự căng thẳng của tim làm cho thành cơ của tâm thất dày lên. Tình trạng này được gọi là phì đại tâm thất phải (right ventricular hypertrophy).
  • Suy tim. Nếu tâm thất phải không thể bơm đúng cách, người bệnh sẽ dần dần bị suy tim. Các triệu chứng của suy tim bao gồm mệt mỏi, khó thở, phù nề chân và vùng bụng.
  • Các biến chứng khi mang thai. Nguy cơ mắc biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở sẽ cao hơn ở những người bị hẹp van động mạch phổi nặng, so với những người không mắc bệnh này.

Chẩn đoán chứng hẹp van động mạch phổi

Hẹp van động mạch phổi thường được chẩn đoán ở thời thơ ấu. Nhưng một số người có thể không phát hiện ra cho đến khi họ trưởng thành.

Bác sĩ sử dụng ống nghe để nghe tim. Bác sĩ sẽ nghe thấy tiếng rít, được gọi là tiếng thổi tim. Âm thanh này được tạo ra do dòng máu chảy qua van bị hẹp.

Các xét nghiệm để chẩn đoán hẹp van động mạch phổi bao gồm:

  • Điện tâm đồ (electrocardiogram; viết tắt: ECG hay EKG). Bài kiểm tra nhanh chóng và không đau này ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Các miếng dán, được gọi là điện cực, được đặt trên ngực và đôi khi là cánh tay và chân của người bệnh. Các dây kết nối các điện cực với máy tính, nơi hiển thị kết quả kiểm tra. Điện tâm đồ sẽ cho thấy tim đang đập như thế nào và có thể tiết lộ các dấu hiệu của sự dày lên của cơ tim.
  • Siêu âm tim (echocardiogram). Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Xét nghiệm phổ biến này cho thấy tim đang đập và bơm máu như thế nào. Siêu âm tim có thể cho thấy hình dạng của van động mạch phổi. Xét nghiệm này có thể cho thấy van bị hẹp bao nhiêu.
  • Thông tim (cardiac catheterization). Một ống mỏng gọi là ống thông (catheter) được chọc vào háng, luồn qua các mạch máu và đi vào tim. Thuốc nhuộm chảy qua ống thông và đi vào các mạch máu để làm cho chúng hiển thị rõ hơn trên phim chụp X-quang. Phần kiểm tra này được gọi là chụp mạch vành (coronary angiogram).Trong quá trình kiểm tra, áp suất trong tim sẽ được đo để xem máu bơm qua tim mạnh như thế nào. Bác sĩ có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp van động mạch phổi bằng cách kiểm tra sự chênh lệch áp suất giữa buồng tim dưới bên phải và động mạch phổi.
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) đôi khi được sử dụng để khẳng định chẩn đoán hẹp van động mạch phổi.

Điều trị hẹp van động mạch phổi

Nếu bạn bị hẹp van động mạch phổi nhẹ mà không có triệu chứng, bạn có thể chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nếu bạn bị hẹp van động mạch phổi mức độ vừa hoặc nặng, bạn có thể cần thực hiện thủ thuật can thiệp vào tim, hoặc phẫu thuật tim. Kiểu thủ thuật hoặc phẫu thuật được thực hiện tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể của bạn và hình dạng của van động mạch phổi.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

Việc điều trị hẹp van động mạch phổi có thể bao gồm:

  • Nong van bằng bóng (balloon valvuloplasty). Bác sĩ chọc một ống mềm có một quả bóng ở đầu vào một động mạch, thường là ở háng. Hình ảnh chụp X-quang giúp bác sĩ luồn ống này, được gọi là ống thông, đến van bị hẹp trong tim. Quả bóng được làm phồng lên, khiến cho cho lỗ van mở rộng hơn. Sau đó bóng được làm xẹp xuống; ống thông và bóng được lấy ra.Việc nong van bằng bóng có thể cải thiện lưu lượng máu qua tim và giảm các triệu chứng hẹp van động mạch phổi. Nhưng van có thể hẹp trở lại. Một số người cần sửa chữa hoặc thay thế van trong tương lai.
  • Thay van động mạch phổi. Nếu việc nong van bằng bóng không phải là một lựa chọn, việc phẫu thuật tim hở hoặc thủ thuật đặt ống thông có thể được thực hiện để thay van động mạch phổi. Nếu người bệnh có các vấn đề khác về tim, bác sĩ phẫu thuật có thể sửa chữa những vấn đề đó trong cùng một ca phẫu thuật.Những người đã thay van động mạch phổi cần dùng thuốc kháng sinh trước khi thực hiện một số thủ thuật nha khoa hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc.

Lối sống và chăm sóc tại nhà

Nếu bạn bị bệnh van tim, điều quan trọng là phải thực hiện các bước để giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh. Một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm nguy cơ phát triển các loại bệnh tim khác hoặc nguy cơ xảy ra các cơn đau tim.

Bạn nên thực hiện những thay đổi về lối sống sau:

  • Bỏ hút thuốc.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, bao gồm trái cây và rau quả, các sản phẩm từ sữa ít chất béo, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc.
  • Duy trì cân nặng lành mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.

Chuẩn bị cho việc đi khám

Nếu bạn hoặc con bạn bị bệnh van tim, bạn sẽ được giới thiệu đến một bác sĩ được đào tạo để đánh giá và điều trị các bệnh tim (bác sĩ tim mạch).

Đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho buổi khám.

Bạn nên làm gì để chuẩn bị

  • Viết ra các triệu chứng của bạn hoặc con bạn, kể cả bất kỳ điều gì có vẻ không liên quan đến lý do bạn đi khám.
  • Ghi lại những thông tin cá nhân quan trọng, kể cả những căng thẳng lớn hoặc những căn bệnh gần đây.
  • Liệt kê tất cả các thuốc, vitamin và thực phẩm bổ sung mà bạn hoặc con bạn dùng.
  • Viết ra những câu hỏi để hỏi bác sĩ.

Việc chuẩn bị một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian với bác sĩ của mình. Đối với chứng hẹp van động mạch phổi, một số câu hỏi cơ bản bao gồm:

  • Nguyên nhân có khả năng nhất của các triệu chứng là gì?
  • Có những nguyên nhân nào khác?
  • Những xét nghiệm nào là cần thiết? Tôi có cần chuẩn bị gì không?
  • Tình trạng hẹp van động mạch phổi là tạm thời hay lâu dài?
  • Những phương pháp điều trị có sẵn là gì? Bác sĩ đề xuất cái nào và tại sao?
  • Những rủi ro của phương pháp nong van bằng bóng hoặc phẫu thuật tim hở là gì?
  • Tôi có cần hạn chế hoạt động nào không ?

Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác.

Những gì bác sĩ sẽ hỏi bạn

Bác sĩ có thể hỏi bạn nhiều câu hỏi, bao gồm:

  • Các triệu chứng bắt đầu khi nào?
  • Các triệu chứng xuất hiện rồi biến mất, hay chúng kéo dài?
  • Các triệu chứng có trở nên tồi tệ hơn trong khi hoạt động hoặc khi nằm xuống không ?
  • Có điều gì dường như làm giảm các triệu chứng không ?

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất