Kích thích não sâu có thể làm dịu các triệu chứng của bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem việc kích thích não sâu có thể giúp những người mắc bệnh Alzheimer ghi nhớ lâu hơn hay không, và giờ đây một phát hiện mới có thể giúp củng cố phương pháp này.

Kích thích não sâu

Việc kích thích não sâu (Deep brain stimulation) là một phương pháp điều trị một số tình trạng y tế, bao gồm chứng động kinh, bệnh Parkinson và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Trong phương pháp này, các điện cực được cấy vào một số vùng nhất định của não để truyền các xung điện để làm gián đoạn hoạt động bất thường của não.

Các nhà nghiên cứu cũng đã bắt đầu nghiên cứu việc kích thích não sâu như một cách khả thi để giúp điều trị những người mắc bệnh Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng khi được thực hiện trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, phương pháp kích thích não sâu có thể làm chậm quá trình mất trí nhớ.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các hiệu ứng của việc kích thích một vùng não gọi là fornix. Đây là một bó sợi thần kinh và là một phần quan trọng trong các mạch bộ nhớ của não. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những người mắc bệnh Alzheimer nhẹ, vùng fornix bị hư hỏng, và các nhà nghiên cứu nghĩ rằng việc kích thích não sâu có thể cải thiện chức năng của mạch bị lỗi đó.

Tuy nhiên, các kết quả là không chắc chắn: Một số bệnh nhân trong cuộc nghiên cứu cho thấy bằng chứng về sự chậm lại của chứng mất trí nhớ, trong khi những bệnh nhân khác thì không. Các nhà nghiên cứu cho rằng lý do có thể là sự khác biệt về vị trí đặt các điện cực khi kích thích não.

Vì vậy, trong cuộc nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã xem xét lại dữ liệu của 46 bệnh nhân đã tham gia thử nghiệm phương pháp kích thích não sâu dành cho bệnh Alzheimer nhẹ. Họ muốn xem liệu có bất kỳ mối tương quan nào giữa các vị trí được kích thích và khả năng đáp ứng của bệnh nhân với phương pháp điều trị này hay không.

Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Andreas Horn nói rằng khi bắt đầu xem xét, ông đã hoài nghi là họ sẽ tìm thấy điều gì khả quan.

Nhưng hóa ra là có. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: vùng não giữa fornix và bed nucleus của stria terminalis đáp ứng tốt hơn với phương pháp kích thích não sâu. Stria terminalis là một dải sợi liên quan đến phản ứng cảm xúc và hành vi.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xác minh phát hiện của họ bằng cách tập trung vào 18 bệnh nhân mà họ đã loại khỏi cuộc phân tích ban đầu. Họ phát hiện ra rằng họ có thể dự đoán những bệnh nhân đó sẽ phản ứng với việc kích thích não sâu như thế nào, dựa trên vị trí đặt các điện cực trong não của họ.

Những phát hiện đã được công bố gần đây trên tạp chí Nature Communications.

Tiến sĩ Horn cho biết: Mục tiêu là tinh chỉnh phương pháp kích thích não sâu để nhắm mục tiêu trong não, chuyển từ một vị trí “lờ mờ” nào đó đến các vị trí chính xác hơn.

“Chúng tôi không đề xuất một chiến lược điều trị mới. Chúng tôi đang đề xuất một chiến lược tinh vi hơn”, Tiến sĩ Horn nói. Ông làm việc tại Trung tâm Trị liệu Mạch não tại Bệnh viện Brigham and Women’s ở Boston.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng dù việc kích thích não sâu có trở nên tinh vi đến đâu trong tương lai thì nó cũng không thể chữa khỏi bệnh Alzheimer.

“Chúng tôi muốn kéo dài khoảng thời gian mà mọi người có chất lượng cuộc sống tốt hơn,” Tiến sĩ Horn nói.

Ông nói thêm: “Và hiện tại phương pháp kích thích não sâu vẫn đang được nghiên cứu để tìm cách điều trị bệnh Alzheimer. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân cần ghi danh vào một cuộc nghiên cứu để được thử nghiệm nó.

Một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn hơn, được gọi là ADvance II, đang được tiến hành để kiểm tra tác dụng của liệu pháp kích thích não sâu trong một năm đối với bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer nhẹ.

Tiến sĩ Gabriel de Erausquin là bác sĩ/nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Texas ở San Antonio, một trong những trung tâm y tế tham gia vào cuộc thử nghiệm này.

Ông đồng ý rằng những phát hiện mới có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu tốt hơn. “Đây thực sự là một nghiên cứu tuyệt vời,” ông Gabriel de Erausquin nói. Ông không tham gia vào nghiên cứu này.

“Nếu những phát hiện có thể giúp cải thiện hiệu quả của phương pháp kích thích não sâu trên các bệnh nhân Alzheimer, thì chúng sẽ có lợi ích to lớn”, ông nói.

Trong kỹ thuật kích thích não sâu, các điện cực cấy trong não được kết nối với một máy phát xung điện thông qua các dây được đặt dưới da. Máy phát xung điện là một thiết bị giống như máy điều hòa nhịp tim, được cấy dưới da ở ngực, và được lập trình để tự động truyền các xung điện đến các điện cực não.

Phương pháp kích thích não sâu đã được sử dụng từ những năm 1990 để điều trị bệnh Parkinson, và nó được coi là một liệu pháp khá an toàn. Nhưng việc phẫu thuật cũng có một số rủi ro, và theo thời gian, các bộ phận của hệ thống kích thích não sâu có thể di chuyển hoặc bị hỏng.

Tiến sĩ de Erausquin cũng nhấn mạnh rằng phương pháp kích thích não sâu sẽ không chữa khỏi bệnh. Ông lưu ý: Tiến trình thông thường của bệnh Alzheimer là sự mất dần chức năng, và các nhà nghiên cứu hy vọng là họ sẽ kìm hãm sự tiến triển đó.

Nguồn thông tin: Tạp chí Nature Communications, tháng 12 năm 2022

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất