Nhịp tim nhanh nhĩ: Chẩn đoán và điều trị

Nhịp tim nhanh nhĩ là gì?

Nhịp tim nhanh nhĩ (atrial tachycardia) là tình trạng rối loạn nhịp tim với các xung điện bắt nguồn từ trong tâm nhĩ. Đây là một kiểu nhịp tim nhanh trên thất (supraventricular tachycardia – SVT).

Trong một đợt nhịp tim nhanh nhĩ, nhịp tim tăng lên hơn 100 nhịp một phút, trước khi trở lại nhịp tim bình thường là khoảng 60 đến 80 nhịp một phút. Một đợt có thể bắt đầu dần dần hoặc bắt đầu đột ngột. Chứng nhịp tim nhanh nhĩ có thể gây ra cảm giác tim đập thình thịch hoặc chạy đua, choáng váng, chóng mặt và ngất xỉu.

Nhịp nhanh nhĩ khá phổ biến. Nó có thể xảy ra ở những người đã phẫu thuật tim hoặc đang mang thai. Tình trạng nhịp nhanh nhĩ có thể xảy ra do nhiễm trùng, thuốc kích thích hoặc rượu.

Nhịp tim nhanh nhĩ: Chẩn đoán và điều trị
Cấu tạo của tim người

Chẩn đoán chứng nhịp tim nhanh nhĩ

Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các rối loạn tuyến giáp, bệnh tim hoặc các tình trạng khác liên quan đến nhịp tim nhanh nhĩ
  • Điện tâm đồ (ECG) để đo hoạt động điện của tim và đo nhịp cũng như thời lượng của mỗi lần tim đập
  • Máy đo điện tim Holter: là một thiết bị điện tâm đồ nhỏ gọn được người bệnh đeo trong một ngày hoặc lâu hơn, để ghi lại nhịp tim trong các hoạt động hàng ngày
  • Siêu âm tim, là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về kích thước, cấu trúc và chuyển động của tim
Máy đo điện tim Holter
Máy đo điện tim Holter

Bác sĩ có thể cố gắng kích hoạt một đợt nhịp nhanh nhĩ bằng các bài kiểm tra khác, bao gồm:

  • Kiểm tra gắng sức, để theo dõi hoạt động của tim khi bạn tập thể dục trên máy chạy bộ hoặc xe đạp đứng yên
  • Nghiên cứu điện sinh lý (electrophysiological) và lập bản đồ tim, để bác sĩ xem các tín hiệu điện truyền qua tim như thế nào trong mỗi nhịp tim

Điều trị nhịp nhanh nhĩ

Việc điều trị nhịp tim nhanh nhĩ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này và các tác nhân gây ra nó. Bác sĩ của bạn có thể đề xuất các phương pháp điều trị sau đây:

  • Tác động đến dây thần kinh phế vị (vagus nerve). Những hành động đơn giản như ho, chườm túi nước đá lên mặt, hoặc cúi xuống như thể đang đi đại tiện có thể giúp làm chậm nhịp tim. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện những hành động này trong một đợt nhịp nhanh nhĩ. Những hành động này ảnh hưởng đến dây thần kinh phế vị, giúp kiểm soát nhịp tim.
  • Thuốc. Bác sĩ có thể kê toa thuốc để kiểm soát nhịp tim và phục hồi nhịp tim. Thuốc có thể cần được tiêm tĩnh mạch.
  • Sốc điện chuyển nhịp (cardioversion). Trong thủ thuật này, một cú sốc điện được truyền đến tim thông qua các miếng đệm hoặc miếng dán trên ngực. Dòng điện ảnh hưởng đến các tín hiệu điện trong tim và có thể phục hồi nhịp tim bình thường. Thủ thuật này có thể được thực hiện nếu tình trạng nhịp nhanh nhĩ không thuyên giảm khi dùng thuốc hoặc tác động dây thần kinh phế vị.
  • Cắt mô qua ống thông (catheter ablation, hay còn gọi là đốt điện). Một ống mỏng, linh hoạt (ống thông) được luồn qua một mạch máu, thường là ở bẹn, và đưa lên đến tim. Đôi khi bác sĩ sử dụng nhiều hơn một ống thông. Các cảm biến trên đầu ống thông sử dụng nhiệt (năng lượng tần số vô tuyến) để cắt, đốt và tạo ra những vết sẹo nhỏ trong tim. Mô sẹo sẽ ngăn chặn vĩnh viễn các tín hiệu điện bị lỗi, giúp phục hồi nhịp tim bình thường.
  • Máy tạo nhịp tim. Thiết bị nhỏ này có thể cần thiết nếu các phương pháp điều trị nhịp nhanh nhĩ khác không hiệu quả. Máy tạo nhịp tim được cấy dưới da ở vùng ngực bằng cách phẫu thuật. Khi máy tạo nhịp tim phát hiện nhịp tim không đều, nó sẽ phát ra và truyền một xung điện giúp điều chỉnh nhịp tim. Đối với những người bị nhịp tim nhanh nhĩ, thủ thuật này thường được thực hiện bằng cách cắt nút nhĩ thất (atrioventricular node).
Cắt đốt bằng ống thông
Cắt đốt bằng ống thông. Trong hình vẽ bên trái, ông thông (màu xanh) được luồn qua một mạch máu và đưa vào trong tim. Hình vẽ bên phải minh họa một phần mô đang được cắt đốt bởi đầu ống thông.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất