Schwannoma (u bao sợi thần kinh): Chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về schwannoma

Schwannoma là một loại khối u thần kinh hình thành tại vỏ bọc dây thần kinh. Đây là loại u thần kinh ngoại biên lành tính phổ biến nhất ở người trưởng thành. Schwannoma có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể, ở mọi lứa tuổi.

Một khối u schwannoma thường xuất phát từ một bó đơn lẻ bên trong dây thần kinh chính, và chiếm chỗ phần còn lại của dây thần kinh. Khi một khối u schwannoma phát triển lớn hơn, nhiều bó bị ảnh hưởng hơn, khiến việc loại bỏ nó trở nên khó khăn hơn. Nhìn chung, khối u schwannoma thường phát triển chậm.

Nếu bạn có một khối u schwannoma phát triển ở cánh tay hoặc chân, bạn sẽ cảm nhận được một cục u không đau. Các khối u schwannoma hiếm khi trở thành ung thư, nhưng chúng có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh và mất kiểm soát cơ bắp. Hãy đi khám nếu bạn có bất kỳ cục u bất thường nào hoặc có cảm giác tê.

Schwannoma ở chân
Schwannoma ở chân. Các khối u lành tính có thể xảy ra ở các dây thần kinh, các cơ và xương. Hình ảnh minh họa này cho thấy một u bao sợi thần kinh (schwannoma) tại dây thần kinh chày ở chân.
Schwannoma (u bao sợi thần kinh): Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ phẫu thuật sẽ cẩn thận loại bỏ các u bao sợi thần kinh (schwannoma), đồng thời bảo tồn các bó sợi thần kinh không bị ảnh hưởng bởi các khối u.

Chẩn đoán u bao dây thần kinh (schwannoma)

Để chẩn đoán schwannoma, bác sĩ có thể hỏi bạn về các dấu hiệu và triệu chứng, thảo luận về tiền sử bệnh của bạn và thực hiện cả khám tổng quát về thể chất và thần kinh. Nếu các dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị u bao sợi thần kinh hoặc khối u thần kinh khác, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Phương pháp quét hình ảnh này sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh 3 chiều chi tiết về các dây thần kinh và mô xung quanh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Một máy quét CT quay quanh cơ thể bạn để ghi lại một loạt hình ảnh. Một máy tính sử dụng các hình ảnh đó để tạo ra một hình ảnh chi tiết về khối u, để bác sĩ đánh giá xem nó có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
  • Điện cơ đồ (EMG). Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ cắm những chiếc kim nhỏ vào cơ của bạn, để dụng cụ đo điện cơ ghi lại hoạt động điện trong cơ khi bạn cố gắng dịch chuyển cơ.
  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh. Có thể bạn sẽ cần thực hiện bài kiểm tra này cùng với kiểm tra điện cơ đồ. Bài kiểm tra này đo xem các dây thần kinh truyền các tín hiệu điện đến cơ bắp của bạn nhanh như thế nào.
  • Sinh thiết khối u. Nếu các kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh chỉ ra là bạn có khối u ở dây thần kinh, bác sĩ có thể lấy và phân tích một mẫu tế bào từ khối u của bạn (sinh thiết). Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, bạn có thể cần được gây tê tại chỗ hoặc toàn thân trong quá trình sinh thiết.
  • Sinh thiết dây thần kinh. Nếu bạn có một bệnh lý như bệnh thần kinh ngoại biên tiến triển, hoặc có dây thần kinh to ra giống như khối u dây thần kinh, bác sĩ có thể làm sinh thiết dây thần kinh.

Điều trị u bao dây thần kinh (schwannoma)

Việc điều trị schwannoma phụ thuộc vào vị trí của sự phát triển bất thường và liệu nó có gây đau hay phát triển nhanh chóng hay không. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Giám sát. Bác sĩ có thể đề nghị quan sát tình trạng của bạn theo thời gian. Việc quan sát có thể bao gồm kiểm tra định kỳ và chụp CT hoặc MRI vài tháng một lần để xem khối u của bạn có đang to lên hay không.
  • Phẫu thuật. Một bác sĩ phẫu thuật dây thần kinh ngoại vi có kinh nghiệm có thể cắt bỏ khối u nếu nó gây đau hoặc phát triển nhanh chóng. Việc phẫu thuật khối u schwannoma được thực hiện sau khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Tùy thuộc vào vị trí của khối u, một số bệnh nhân có thể về nhà vào ngày phẫu thuật. Những người khác có thể cần phải ở lại bệnh viện trong một hoặc hai ngày. Ngay cả sau khi cắt bỏ thành công khối u trong quá trình phẫu thuật, một khối u vẫn có thể tái phát.
  • Xạ trị. Xạ trị được sử dụng để giúp kiểm soát sự phát triển của khối u và cải thiện các triệu chứng của bạn. Xạ trị có thể được sử dụng kết hợp với phẫu thuật.
  • Xạ phẫu, hay còn gọi là phẫu thuật phóng xạ lập thể (stereotactic radiosurgery). Nếu khối u ở gần các dây thần kinh hoặc mạch máu quan trọng, một kỹ thuật gọi là xạ trị cơ thể lập thể có thể được sử dụng để hạn chế tổn thương mô khỏe mạnh. Với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ chiếu tia phóng xạ chính xác vào khối u mà không cần rạch.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất