Huyết áp cao ở tuổi trung niên có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
Thêm bằng chứng cho thấy tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra chứng mất trí nhớ.
  • Có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu sống chung với bệnh cao huyết áp.
  • Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở người trẻ tuổi đang gia tăng.
  • Những người bị huyết áp cao có nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, bao gồm cả chứng mất trí nhớ (dementia), hay còn gọi là sa sút trí tuệ.
  • Các nhà nghiên cứu từ Viện Tim mạch ở Buenos Aires, Argentina báo cáo rằng huyết áp cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ ở người trung niên.

Hiện có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trên khắp thế giới trong độ tuổi từ 30 đến 79 sống chung với bệnh cao huyết áp (thuật ngữ y khoa: hypertension).

Mặc dù huyết áp cao là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi từ 60 tuổi trở lên, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở người trẻ tuổi từ 20 đến 44 đang gia tăng.

Những người bị huyết áp cao có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý cao hơn, bao gồm đột quỵ, đau tim, suy tim, các vấn đề về thận, các vấn đề về thị lực và chứng mất trí nhớ (sa sút trí tuệ; tiếng Anh: dementia).

Giờ đây, một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Hypertension Research cho thấy huyết áp cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở người trung niên.

Tăng huyết áp ở tuổi trung niên tạo nguy cơ mất trí nhớ

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 1.279 người ở Argentina bị huyết áp cao trong độ tuổi từ 21 đến 95. Tất cả dữ liệu được lấy từ Nghiên cứu Tim-Não ở Argentina, bao gồm thông tin về huyết áp và suy giảm nhận thức.

Sau đó, các nhà khoa học xác định điểm rủi ro mất trí nhớ CAIDE (Yếu tố Nguy cơ Tim mạch, Lão hóa và Tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ; tiếng Anh: Cardiovascular Risk Factors, Aging, and Incidence of Dementia) cho mỗi người tham gia nghiên cứu. Điểm CAIDE dựa trên thông tin về huyết áp, mức cholesterol, béo phì, hoạt động thể chất, tuổi tác và trình độ học vấn.

Phân tích của họ cho thấy 28% những người ở độ tuổi trung niên (47–53 tuổi) có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.

Ông Augusto Vicario, bác sĩ tim mạch và trưởng Đơn vị Tim và Não thuộc Khoa Tim mạch Lâm sàng tại Viện Tim mạch ở Buenos Aires, Argentina, tác giả của nghiên cứu này, nói: “Ở độ tuổi trung niên, các yếu tố nguy cơ có tác động mạnh nhất.

Trong trường hợp tăng huyết áp, bị tăng huyết áp ở tuổi trung niên làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ khi về già, nhưng khi chứng tăng huyết áp bắt đầu muộn hơn thì nguy cơ này sẽ giảm đi. Nguyên nhân là do bệnh mạch máu não phát triển chậm và phải hơn 10, 15 năm mới biểu hiện lâm sàng là bệnh nhận thức.”

Tăng huyết áp liên quan đến nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khoảng 40% tổng số người tham gia nghiên cứu, bất kể tuổi tác, có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.

“Nếu chúng ta xét rằng biện pháp can thiệp duy nhất đã được chứng minh là ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của tổn thương mạch máu não ở bệnh nhân tăng huyết áp là điều trị và kiểm soát bệnh tăng huyết áp bằng các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, thì không có gì ngạc nhiên khi 40% số bệnh nhân có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn, vì 70% bệnh nhân tăng huyết áp không được kiểm soát huyết áp hoặc thậm chí nhiều người không biết về bệnh của mình và không được điều trị”, ông Vicario nói.

Ông khuyên: “Các bác sĩ phải đưa não vào đánh giá lâm sàng của bệnh nhân tăng huyết áp để phân loại đầy đủ nguy cơ tim mạch và mạch máu não.

Một cách đơn giản và thiết thực là đánh giá nhận thức bằng các bài kiểm tra tâm lý thần kinh. Trong các ấn phẩm trước đây, chúng tôi đã chỉ ra rằng “bài kiểm tra vẽ đồng hồ” là một công cụ hữu ích cho mục đích này và bác sĩ đa khoa có thể sử dụng.

Và thứ hai, chúng ta phải nhấn mạnh việc phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, kiểm soát nó đầy đủ bằng thuốc hạ huyết áp và tuân thủ điều trị, bởi vì bệnh sẽ kéo dài mãi mãi.”

Tại sao tăng huyết áp liên quan đến chứng mất trí nhớ?

Ông Vicario cho biết, mặc dù tăng huyết áp là một nguy cơ gây ra chứng sa sút trí tuệ nhưng mối liên hệ này vẫn cần được nghiên cứu thêm.

“Não là một trong ba cơ quan bị ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp, cùng với thận và tim; tuy nhiên, việc đánh giá nó trong thực hành lâm sàng thường bị bỏ qua,” ông giải thích.

Ông nói tiếp: “Các cuộc điều tra của chúng tôi, theo các ấn phẩm quốc tế, đã chỉ ra rằng 30% bệnh nhân tăng huyết áp bị tổn thương não mà không bị tổn thương thận hoặc tim. Vì vậy, não của bệnh nhân tăng huyết áp là “bộ não có nguy cơ”.

Bởi vì sa sút trí tuệ là một căn bệnh nan y nhưng có thể phòng ngừa được. Bệnh mạch máu là nguyên nhân chính gây ra hơn 90% các trường hợp sa sút trí tuệ bao, gồm bệnh Alzheimer, và tăng huyết áp là nguy cơ góp phần phát triển chứng sa sút trí tuệ, nên cần phải nghiên cứu não của bệnh nhân tăng huyết áp.”

Ngăn chặn “kẻ giết người thầm lặng” để bảo vệ sức khỏe não bộ

Sau khi xem xét nghiên cứu này, ông José Morales, một nhà thần kinh học mạch máu và bác sĩ phẫu thuật can thiệp thần kinh tại Viện khoa học thần kinh Thái Bình Dương ở Santa Monica, California, người không tham gia vào nghiên cứu này, nói: khía cạnh có giá trị nhất của nghiên cứu này là nó nhấn mạnh với bệnh nhân và bác sĩ chăm sóc ban đầu rằng nguy cơ “kẻ giết người thầm lặng” này là yếu tố góp phần gây sa sút trí tuệ.

Ông Morales lưu ý: “Nhiều bệnh nhân bày tỏ lo ngại về tác dụng phụ của thuốc và việc tối ưu hóa việc kiểm soát huyết áp của họ đôi khi rất khó đạt được”.

Ông nói: “Việc nêu bật nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ đối với bệnh nhân tăng huyết áp không kiểm soát được có thể thúc đẩy họ và các bác sĩ chăm sóc ban đầu chủ động hơn trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của nguy cơ này đối với sức khỏe não bộ”.

Bà Jennifer Wong, bác sĩ tim mạch và giám đốc y tế về tim mạch không xâm lấn tại Viện Tim và Mạch máu MemorialCare tại Trung tâm Y tế Orange Coast ở Fountain Valley, California, nói về nghiên cứu này:

“Tôi nghĩ nghiên cứu này có ý nghĩa. Tăng huyết áp trước đây đã được chứng minh là một nguy cơ gây ra chứng mất trí nhớ và nghiên cứu này cho thấy rằng với nhiều yếu tố rủi ro hơn, được họ tính toán bằng điểm CAIDE, thì nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ sẽ cao hơn, ngay cả ở những người trung niên.”

Bà nói tiếp: “Thật hữu ích khi có những nghiên cứu như thế này cho bệnh nhân thấy những hậu quả nghiêm trọng của bệnh tăng huyết áp, mà một số người gọi là căn bệnh thầm lặng”.

Bà Wong khuyên: “Nhiều người không có triệu chứng khi huyết áp tăng ở độ tuổi trẻ hơn và mọi người khó hiểu được mức độ nghiêm trọng của các yếu tố nguy cơ này khi không có triệu chứng”.