Đau cơ và khớp trong thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ, được đặc trưng bởi sự suy giảm tự nhiên của hormone sinh sản. Nó thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 đến 55, đánh dấu sự kết thúc của những chu kỳ kinh nguyệt. Trong số những thay đổi sinh lý khác nhau xảy ra ở thời kỳ mãn kinh, một triệu chứng đáng chú ý là đau cơ và đau khớp. Bài viết này sẽ giải thích rõ hơn về cơ chế gây đau cơ, đau khớp trong thời kỳ mãn kinh và hướng dẫn bạn cách giảm bớt tình trạng này.

Đau cơ và khớp trong thời kỳ mãn kinh
Đau cơ và đau khớp trong thời kỳ mãn kinh

Nguyên nhân gây đau cơ, đau khớp ở thời kỳ mãn kinh

Sự suy giảm nồng độ estrogen là nguyên nhân chính gây đau cơ và khớp trong thời kỳ mãn kinh. Estrogen là hormone (nội tiết tố) rất quan trọng để duy trì sức khỏe khớp, vì nó có tác dụng giảm viêm, bôi trơn khớp và hỗ trợ sản xuất collagen, một thành phần quan trọng của các mô liên kết. Nồng độ estrogen giảm dẫn đến những vấn đề sau:

  1. Viêm: Việc giảm estrogen có thể góp phần làm tăng nồng độ các cytokine gây viêm như IL-6 và TNF-alpha. Phản ứng viêm tăng cao này có thể dẫn đến đau khớp và cứng khớp.
  2. Thoái hóa sụn: Sự thoái hóa collagen ở khớp có thể tăng tốc, dẫn đến tăng hao mòn sụn. Quá trình này làm cho khớp dễ bị mắc các bệnh như viêm xương khớp (osteoarthritis). Bệnh viêm xương khớp có đặc trưng là đau mãn tính và khả năng vận động hạn chế.
  3. Giảm mật độ xương: Mãn kinh cũng có thể làm giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương. Quá trình này làm xương yếu đi, khiến khớp dễ bị đau và tổn thương hơn.
  4. Yếu cơ: Estrogen hỗ trợ duy trì khối lượng cơ bắp. Sự suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh có thể góp phần làm mất cơ, khiến cơ dễ bị căng và đau nhức.

Bệnh nhân bị đau khớp và cơ trong thời kỳ mãn kinh thường xuyên cho biết sự bực bội vì tình trạng này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Một số phụ nữ mô tả cơn đau là “cảm giác đau nhức liên tục” làm hạn chế khả năng thực hiện các công việc đơn giản, chẳng hạn như leo cầu thang hoặc làm vườn.

Cơn đau đó có phải do mãn kinh không?

Để xác nhận liệu đau cơ và khớp là do mãn kinh hay do các tình trạng bệnh lý khác gây ra, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường sử dụng phương pháp tiếp cận đa hướng:

  1. Đánh giá bệnh sử: Các bác sĩ sẽ xem xét tuổi, triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Các bác sĩ có thể hỏi về sự khởi phát và thời gian của các triệu chứng và liệu các triệu chứng này có trùng với các triệu chứng mãn kinh khác hay không, chẳng hạn như bốc hỏa hoặc thay đổi tâm trạng.
  2. Khám thực thể: Việc khám thực thể có thể cho thấy khớp bị sưng, đau khớp hoặc giảm phạm vi chuyển động, là sự biểu hiện tình trạng viêm hoặc thoái hóa khớp.
  3. Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để đánh giá các dấu hiệu viêm như protein phản ứng C (C-reactive protein; viết tắt: CRP) và tốc độ máu lắng (erythrocyte sedimentation rate; viết tắt: ESR), để xác định xem có viêm hay không. Nồng độ hormone, bao gồm cả estrogen, cũng có thể được đánh giá.
  4. Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang hoặc MRI có thể được thực hiện để đánh giá tính toàn vẹn của khớp, phát hiện tình trạng mất sụn hoặc gai xương và chẩn đoán các bệnh thoái hóa khớp.
  5. Giới thiệu đến chuyên gia: Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến bác sĩ thấp khớp hoặc bác sĩ chỉnh hình để đánh giá chuyên môn và lập kế hoạch điều trị.

Điều trị đau cơ và khớp trong thời kỳ mãn kinh

Có một số lựa chọn điều trị để kiểm soát cơn đau cơ và khớp do mãn kinh:

  1. Liệu pháp thay thế hormone (hormone replacement therapy; viết tắt: HRT): HRT có thể khôi phục nồng độ estrogen, giảm viêm và làm chậm quá trình thoái hóa sụn. Các nghiên cứu cho thấy HRT có thể làm giảm nguy cơ viêm xương khớp và giảm đau khớp. Tuy nhiên, những rủi ro liên quan đến HRT, chẳng hạn như tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú hoặc cục máu đông, phải được xem xét.
  2. Thuốc chống viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs; viết tắt: NSAID): NSAID như ibuprofen có thể làm giảm đau và giảm viêm. Những thuốc này phù hợp để điều trị ngắn hạn; việc sử dụng lâu dài cần được cân nhắc thận trọng do có thể xảy ra tác dụng phụ lên đường tiêu hóa và thận.
  3. Vật lý trị liệu: Nhà trị liệu vật lý có thể hướng dẫn bệnh nhân các bài tập để tăng cường cơ bắp và cải thiện sự ổn định của khớp. Các bài tập giãn cơ, yoga và thái cực quyền cũng có thể tăng cường tính linh hoạt và giảm đau.
  4. Chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung: Việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng giàu canxi và vitamin D có thể hỗ trợ sức khỏe của xương. Các thực phẩm bổ sung như glucosamine và chondroitin giúp giảm đau khớp, mặc dù hiệu quả của chúng vẫn còn gây tranh cãi.
  5. Điều chỉnh lối sống: Việc kiểm soát cân nặng có thể làm giảm căng thẳng cho khớp, đặc biệt là đầu gối và hông. Tập thể dục thường xuyên, bao gồm các hoạt động ít tác động như bơi lội hoặc đạp xe, có thể cải thiện sức mạnh cơ bắp và độ ổn định của khớp.
  6. Các liệu pháp thay thế: Châm cứu và các liệu pháp thảo dược, chẳng hạn như mao lương (black cohosh) và dầu hoa anh thảo, đã được khám phá là những liệu pháp tiềm năng để điều trị các triệu chứng mãn kinh, bao gồm cả đau khớp.

Tóm lại, đau cơ và khớp trong thời kỳ mãn kinh là một vấn đề phổ biến, chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi nội tiết tố. Sự kết hợp của các biện pháp can thiệp y tế, điều chỉnh lối sống và giáo dục bệnh nhân là rất quan trọng để quản lý và giảm bớt sự khó chịu này một cách hiệu quả.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất