Đau do rụng trứng (cơn đau mittelschmerz)

Đau do rụng trứng (cơn đau mittelschmerz) là gì?

Đau do rụng trứng (cơn đau mittelschmerz) là cơn đau bụng dưới, một bên, liên quan đến rụng trứng. “Mittelschmerz” là một từ tiếng Đức, có nghĩa là “đau giữa chừng”. Cơn đau do rụng trứng (mittelschmerz) xảy ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, tức là khoảng 14 ngày trước kỳ kinh nguyệt tiếp theo của bạn.

Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau do rụng trứng không cần chăm sóc y tế. Nếu cơn đau mittelschmerz khiến bạn khó chịu, bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn và thực hiện biện pháp khắc phục tại nhà. Những biện pháp điều trị này thường có hiệu quả. Nếu cơn đau mittelschmerz nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai để ngừng sự rụng trứng và ngăn ngừa cơn đau giữa chu kỳ.

Đau do rụng trứng (cơn đau mittelschmerz)
Hệ thống sinh sản nữ. Buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung và âm đạo (ống âm đạo) tạo nên hệ thống sinh sản nữ.

Triệu chứng của cơn đau do rụng trứng

Cơn đau do rụng trứng (mittelschmerz) thường kéo dài vài phút đến vài giờ, nhưng nó có thể tiếp tục trong một hoặc hai ngày. Cơn đau do rụng trứng có thể là:

  • Đau ở một bên bụng dưới
  • Đau âm ỉ và nhức, tương tự như co thắt khi có kinh nguyệt
  • Đau đột ngột
  • Kèm theo chảy máu nhẹ hoặc tiết dịch từ âm đạo
  • Đau nặng (hiếm khi)

Cơn đau do rụng trứng (mittelschmerz) xảy ra ở bên buồng trứng giải phóng trứng (rụng trứng). Cơn đau có thể đổi bên mỗi tháng, hoặc bạn có thể cảm thấy đau ở cùng một bên trong vài tháng.

Hãy theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn trong vài tháng và lưu ý khi bạn cảm thấy đau bụng dưới. Nếu cơn đau xảy ra giữa chu kỳ và biến mất mà không cần điều trị, rất có thể đó là đau do rụng trứng (cơn đau mittelschmerz).

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Bạn hiếm khi cần can thiệp y tế để điều trị cơn đau do rụng trứng. Tuy nhiên, hãy liên hệ với bác sĩ nếu một cơn đau vùng chậu trở nên nghiêm trọng, có kèm theo buồn nôn hoặc sốt, hoặc nếu cơn đau kéo dài. Bất kỳ triệu chứng nào trong số này có thể cho thấy bạn mắc một tình trạng nghiêm trọng hơn cơn đau mittelschmerz, chẳng hạn như viêm ruột thừa, bệnh viêm vùng chậu, hoặc thậm chí là mang thai ngoài tử cung.

Nguyên nhân của cơn đau mittelschmerz

Cơn đau mittelschmerz xảy ra trong quá trình rụng trứng, khi nang trứng vỡ ra và giải phóng trứng. Một số phụ nữ bị đau mittelschmerz hàng tháng; những người khác chỉ thỉnh thoảng mới đau.

Nguyên nhân chính xác của cơn đau do rụng trứng vẫn chưa được biết, nhưng những lý do có thể gây ra cơn đau bao gồm:

  • Ngay trước khi một quả trứng được giải phóng trong quá trình rụng trứng, sự phát triển của nang trứng sẽ kéo giãn bề mặt của buồng trứng, gây đau.
  • Máu hoặc chất lỏng tiết ra từ nang trứng bị vỡ gây kích ứng niêm mạc bụng (phúc mạc), dẫn đến đau.

Cơn đau ở bất kỳ thời điểm nào khác trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ không phải là cơn đau do rụng trứng. Đó có thể là hiện tượng co rút bình thường do kinh nguyệt (đau bụng kinh) nếu nó xảy ra trong kỳ kinh nguyệt, hoặc có thể là do các vấn đề về vùng bụng hoặc vùng chậu khác. Nếu bạn bị đau dữ dội, hãy đi khám bác sĩ.

Chẩn đoán cơn đau do rụng trứng (cơn đau mittelschmerz)

Để chẩn đoán cơn đau mittelschmerz, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi bạn những câu hỏi để hiểu rõ về tiền sử bệnh của bạn, đặc biệt là về chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra thể chất, bao gồm kiểm tra vùng chậu, để kiểm tra các dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn mà có thể góp phần gây ra cơn đau.

Khám vùng chậu
Khám vùng chậu. Khi khám vùng chậu, bác sĩ sẽ đưa hai ngón tay đeo găng vào bên trong âm đạo của bạn, một tay kia sẽ ấn xuống bụng. Khi đó, bác sĩ có thể kiểm tra tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác của bạn.

Chuẩn bị cho cuộc hẹn khám

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ không cần đi gặp bác sĩ vì cơn đau do rụng trứng. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau rất nhiều hoặc rất khó chịu, bạn có thể đặt lịch hẹn để chẩn đoán hoặc được tư vấn về các lựa chọn điều trị.

Những gì bạn cần làm

Bạn nên viết ra các thông tin sau:

  • Mô tả chi tiết về các triệu chứng của bạn
  • Hai ngày bắt đầu của hai kỳ kinh nguyệt gần đây nhất
  • Các vấn đề sức khỏe mà bạn đã có
  • Thông tin về các vấn đề sức khỏe của cha mẹ hoặc anh chị em
  • Tất cả các loại thuốc và thực phẩm bổ sung mà bạn dùng
  • Những câu hỏi để hỏi bác sĩ

Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi cho bác sĩ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian khi đi khám. Bạn có thể hỏi những câu sau:

  • Điều gì có khả năng gây ra các triệu chứng của tôi?
  • Có nguyên nhân nào khác gây ra các triệu chứng của tôi không?
  • Các triệu chứng của tôi sẽ thay đổi theo thời gian không?
  • Tôi có cần xét nghiệm không?
  • Phương pháp điều trị hoặc biện pháp khắc phục tại nhà nào là hữu ích?

Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác.

Những gì bác sĩ sẽ hỏi bạn

Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu sau:

  • Chu kỳ kinh nguyệt của bạn là bao nhiêu ngày và kỳ kinh kéo dài bao lâu?
  • Hãy mô tả các triệu chứng của bạn.
  • Bạn bị đau chỗ nào?
  • Bạn đã trải qua cơn đau này bao lâu rồi? Cơn đau liên tục hay nó giảm dần sau vài phút hoặc vài giờ?
  • Trên thang điểm từ 1 đến 10, mức độ đau của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
  • Cơn đau xảy ra trước hay sau kỳ kinh nguyệt bao lâu?
  • Bạn có các triệu chứng khác hay không, chẳng hạn như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau lưng, chóng mặt hoặc đau đầu?

Điều trị cơn đau do rụng trứng

Các phương pháp điều trị cơn đau mittelschmerz (đau do rụng trứng) bao gồm:

  • Thuốc giảm đau. Để giảm bớt sự khó chịu do mittelschmerz, hãy thử dùng thuốc không kê đơn như acetaminophen (Tylenol, những thuốc khác), aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những thuốc khác) hoặc naproxen sodium (Aleve).
  • Thuốc tránh thai. Nếu mittelschmerz gây cho bạn nhiều khó chịu hoặc xảy ra hàng tháng, hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc tránh thai. Một số loại thuốc tránh thai ngăn chặn sự rụng trứng, có thể giúp giảm bớt cơn đau do rụng trứng.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Để giảm bớt cơn đau do rụng trứng mà kéo dài hơn vài phút, hãy thử một số biện pháp khắc phục tại nhà. Vì nhiệt nóng làm tăng lưu lượng máu, thư giãn cơ bắp đang bị căng và giảm bớt co thắt, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Ngâm mình trong bồn nước nóng
  • Chườm nóng vào vùng bị đau

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất