Hoại tử thượng bì nhiễm độc: triệu chứng và điều trị

Tổng quan

Hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis) là một phản ứng của da, đe dọa tính mạng, hiếm gặp, thường do thuốc gây ra. Đây là một dạng nghiêm trọng của hội chứng Stevens-Johnson. Ở những người có hội chứng Stevens-Johnson, tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc được xác nhận khi hơn 30% bề mặt da bị ảnh hưởng và lớp lót ẩm của cơ thể (màng nhầy) bị tổn thương trên diện rộng.

Hoại tử thượng bì nhiễm độc là một tình trạng đe dọa tính mạng, có thể xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi. Hoại tử thượng bì nhiễm độc thường được điều trị tại bệnh viện. Trong khi da lành lại, việc chăm sóc hỗ trợ bao gồm kiểm soát cơn đau, chăm sóc vết thương và đảm bảo bạn uống đủ nước. Bạn có thể cần vài tuần đến vài tháng để phục hồi.

Nếu tình trạng của bạn là do thuốc gây ra, bạn sẽ cần phải tránh vĩnh viễn loại thuốc đó và những thứ liên quan đến nó.

Hoại tử thượng bì nhiễm độc: triệu chứng và điều trị
Hoại tử thượng bì nhiễm độc trên lưng một người phụ nữ. Người bệnh có những vùng da bị phồng rộp, bong tróc trên diện rộng.

Triệu chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc

Các dấu hiệu và triệu chứng hoại tử thượng bì do nhiễm độc bao gồm:

  • Đau da lan rộng
  • Phát ban lan rộng, bao phủ hơn 30% cơ thể
  • Mụn nước và có các vùng da bong tróc
  • Có các vết loét, vết sưng và đóng vảy trên màng nhầy, bao gồm cả miệng, mắt và âm đạo

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Điều trị sớm là việc rất quan trọng cho những người mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc. Nếu bạn có các triệu chứng, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bạn có thể cần được chăm sóc bởi bác sĩ chuyên khoa da và các chuyên gia khác trong bệnh viện.

Nguyên nhân gây hoại tử thượng bì nhiễm độc

Hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc thường bị gây ra bởi phản ứng của da với thuốc. Các triệu chứng có thể bắt đầu xuất hiện từ một đến bốn tuần sau khi bạn bắt đầu dùng một loại thuốc mới.

Những thuốc thường gây ra hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc nhất là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị động kinh, thuốc sulfa và allopurinol (Aloprim, Zyloprim).

Các yếu tố rủi ro

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc bao gồm:

  • Nhiễm HIV. Trong số những người nhiễm HIV, tỷ lệ mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc cao hơn khoảng 100 lần so với tỉ lệ mắc trong dân số nói chung.
  • Một hệ thống miễn dịch suy yếu. Hệ thống miễn dịch có thể bị ảnh hưởng bởi việc cấy ghép nội tạng, HIV/AIDS và các bệnh tự miễn dịch.
  • Ung thư. Những người mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư máu, có nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc cao hơn.
  • Đã từng mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc. Nếu bạn đã từng mắc tình trạng này do dùng thuốc, bạn có nguy cơ tái phát nếu bạn sử dụng lại loại thuốc đó.
  • Gia đình có người mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc. Nếu người thân cấp một, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em, đã mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc, bạn cũng sẽ dễ mắc tình trạng này hơn.
  • Yếu tố di truyền (thuộc về gene). Nếu bạn có một số biến thể gene nhất định, bạn sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử thượng bì nhiễm độc cao hơn, đặc biệt nếu bạn cũng đang dùng thuốc điều trị động kinh, bệnh gút hoặc bệnh tâm thần.

Các biến chứng

Những người có nguy cơ cao bị biến chứng từ tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc là những người trên 70 tuổi và những người bị xơ gan hoặc ung thư lan rộng (di căn). Các biến chứng của tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc bao gồm:

  • Nhiễm trùng máu (sepsis). Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn từ một chỗ nhiễm trùng xâm nhập vào máu và lây lan khắp cơ thể. Nhiễm trùng máu là một tình trạng tiến triển nhanh chóng, đe dọa tính mạng, có thể gây sốc và suy nội tạng.
  • Ảnh hưởng đến phổi. Khi ảnh hưởng đến phổi, tình trạng này có thể gây ho, khó thở và nếu bệnh nặng có thể gây suy hô hấp cấp tính.
  • Ảnh hưởng đến thị lực. Tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc có thể gây ra các vấn đề ở mắt, chẳng hạn như khô mắt, lông mi mọc vào trong, sẹo giác mạc và trong những trường hợp hiếm gặp có thể gây mù lòa.
  • Tổn thương da vĩnh viễn. Sau khi phục hồi từ tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc, da của bạn có thể có vết sưng, sẹo và đổi màu. Các vấn đề về da kéo dài có thể khiến lông, tóc bạn bị rụng và móng tay, móng chân có thể không phát triển bình thường.
  • Lở loét âm đạo. Ở phụ nữ, tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc có thể gây ra các vết loét ở các mô lót trong âm đạo, khiến họ đau, hoặc nếu không được điều trị sẽ khiến âm đạo bị dính lại.

Phòng ngừa

Để ngăn chặn một đợt hoại tử thượng bì nhiễm độc khác, hãy tìm hiểu xem nó có phải do thuốc gây ra hay không. Nếu đúng vậy, đừng bao giờ dùng thuốc đó hoặc bất cứ thuốc gì tương tự nữa. Khi tình trạng này tái phát, nó có thể tồi tệ hơn và đe dọa tính mạng. Đồng thờ, hãy nói với bất kỳ bác sĩ điều trị nào trong tương lai về bệnh sử của bạn. Hãy đeo vòng cảnh báo ở tay hoặc ở cổ với thông tin về tình trạng của bạn. Hoặc mang theo tờ cảnh báo về dị ứng của bạn.

Chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc

Hoại tử thượng bì nhiễm độc được chẩn đoán khi những người mắc hội chứng Stevens-Johnson tiến triển thành bệnh nghiêm trọng và bệnh ảnh hưởng đến hơn 30% cơ thể.

Điều trị hoại tử thượng bì nhiễm độc

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc bị gây ra bởi thuốc bạn mà đã dùng, bạn cần phải ngừng dùng thuốc đó. Sau đó, bạn sẽ được chuyển đến bệnh viện để điều trị, có thể là tại trung tâm bỏng hoặc phòng chăm sóc đặc biệt. Để phục hồi hoàn toàn, bạn có thể cần vài tháng.

Chăm sóc hỗ trợ

Việc điều trị chính cho tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc là cố gắng làm cho bạn thoải mái nhất có thể, trong khi da bạn lành lại. Bạn sẽ nhận được sự chăm sóc hỗ trợ này khi ở trong bệnh viện. Việc chăm sóc có thể bao gồm các hoạt động sau:

  • Bù chất lỏng và dinh dưỡng. Bởi vì việc mất da có thể dẫn đến mất chất lỏng từ cơ thể, điều quan trọng là phải bù lại chất lỏng và chất điện giải. Bạn có thể nhận chất lỏng và chất dinh dưỡng thông qua một ống được đưa vào mũi và dẫn đến dạ dày (ống thông mũi-dạ dày).
  • Chăm sóc vết thương. Đội ngũ chăm sóc của bạn sẽ nhẹ nhàng làm sạch vùng da bị ảnh hưởng và quấn băng đặc biệt đã thấm dầu bôi trơn (Vaseline) hoặc thuốc. Đội ngũ chăm sóc của bạn cũng theo dõi tình trạng nhiễm trùng của bạn và cho bạn thuốc kháng sinh nếu cần.
  • Giúp bạn thở. Bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm và thủ thuật để đánh giá đường thở của mình và giữ cho nó thông thoáng. Nếu bệnh tiến triển, bạn có thể cần đặt nội khí quản hoặc hỗ trợ thở bằng máy (thở máy).
  • Kiểm soát cơn đau. Bạn sẽ nhận được thuốc giảm đau để giảm bớt sự khó chịu của bạn. Đối với cơn đau trong miệng, bạn có thể được cho dùng nước súc miệng có chứa chất gây tê, chẳng hạn như lidocaine.
  • Chăm sóc mắt. Đối với các triệu chứng nhẹ ở mắt, bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản ít nhất bốn lần một ngày. Thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid có thể được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm mắt. Nhóm chăm sóc của bạn có thể bao gồm một chuyên gia về mắt (bác sĩ nhãn khoa).

Thuốc

Trong việc điều trị hoại tử thượng bì nhiễm độc, bác sĩ cũng có thể sử dụng một hoặc kết hợp các thuốc có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể (thuốc toàn thân), chẳng hạn như cyclosporine (Neoral, Sandimmune), etanercept (Enbrel) và immunoglobulin tiêm tĩnh mạch.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất