Hội chứng carcinoid: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Tổng quan

Hội chứng carcinoid xảy ra khi một khối u ung thư hiếm gặp, gọi là khối u carcinoid, tiết ra một số hóa chất vào máu, gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng. Khối u carcinoid là một loại khối u thần kinh nội tiết (neuroendocrine tumor), thường xảy ra nhất trong đường tiêu hóa hoặc phổi.

Hội chứng carcinoid thường xảy ra ở những người có khối u carcinoid tiến triển. Để điều trị hội chứng carcinoid, các bác sĩ thường phải điều trị ung thư. Tuy nhiên, vì hầu hết các khối u carcinoid không gây ra hội chứng carcinoid cho đến khi chúng tiến triển, nên các bác sĩ thường không thể chữa khỏi hội chứng này. Bác sĩ thường đề xuất dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng của hội chứng carcinoid và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.

Triệu chứng của hội chứng carcinoid

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng carcinoid phụ thuộc vào hóa chất mà khối u carcinoid tiết vào máu.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Da đỏ bừng. Da trên mặt và ở phần trên ngực có cảm giác nóng và đổi màu — từ hồng sang tím. Các đợt da đỏ bừng lên như vậy có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ hoặc lâu hơn.Triệu chứng da đỏ bừng có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng, mặc dù đôi khi nó xảy ra do căng thẳng, tập thể dục hoặc uống rượu.
  • Tổn thương da mặt. Các vùng tĩnh mạch hình mạng nhện màu tía có thể xuất hiện trên mũi và trên môi trên.
  • Tiêu chảy. Những người mắc hội chứng carcinoid có thể bị tiêu chảy, thường xuyên phải đi tiêu, phân lỏng, đôi khi kèm theo đau quặn bụng.
  • Khó thở. Các dấu hiệu và triệu chứng giống như bệnh hen suyễn, chẳng hạn như thở khò khè và khó thở, có thể xảy ra cùng lúc da bạn đỏ bừng.
  • Tim đập nhanh. Nhịp tim nhanh có thể là một dấu hiệu của hội chứng carcinoid.
Hội chứng carcinoid: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Da ở phần ngực trên đỏ bừng lên là một triệu chứng của hội chứng carcinoid.

Khi nào cần đi khám

Hãy hẹn gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng khiến bạn lo lắng.

Nguyên nhân gây ra hội chứng carcinoid

Hội chứng carcinoid được gây ra bởi một khối u carcinoid tiết ra serotonin hoặc các hóa chất khác vào máu. Các khối u carcinoid hay xảy ra nhất trong đường tiêu hóa, bao gồm dạ dày, ruột non, ruột thừa, đại tràng và trực tràng.

Chỉ một tỷ lệ nhỏ các khối u carcinoid tiết ra các hóa chất gây ra hội chứng carcinoid. Khi các khối u này tiết ra các hóa chất, gan thường trung hòa các hóa chất trước khi chúng có cơ hội truyền đi khắp cơ thể và gây ra các triệu chứng.

Tuy nhiên, khi một khối u tiến triển lây lan (di căn) đến gan, nó có thể tiết ra các hóa chất không được trung hòa trước khi đến máu. Hầu hết những người mắc hội chứng carcinoid đều có ung thư tiến triển đã lan đến gan.

Một số khối u carcinoid không cần phải tiến triển để gây ra hội chứng carcinoid. Ví dụ, các khối u carcinoid ở phổi tiết ra các hóa chất vào máu sau khi máu đã đi qua gan, nên các hóa chất không được xử lý và loại bỏ.

Ngược lại, các khối u carcinoid trong ruột tiết ra các hóa chất vào máu mà đầu tiên phải đi qua gan trước khi đến phần còn lại của cơ thể. Gan thường trung hòa các hóa chất trước khi chúng có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể.

Nguyên nhân gây ra khối u carcinoid không được biết rõ.

Các biến chứng từ hội chứng carcinoid

Hội chứng carcinoid có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Bệnh tim carcinoid. Một số người mắc hội chứng carcinoid phát triển bệnh tim carcinoid. Hội chứng carcinoid gây ra các vấn đề ở van tim, khiến chúng khó hoạt động bình thường. Kết quả là van tim có thể bị rò rỉ.Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim carcinoid bao gồm mệt mỏi và khó thở. Bệnh tim carcinoid cuối cùng có thể dẫn đến suy tim. Phẫu thuật sửa chữa van tim bị hư hỏng có thể là một lựa chọn.
  • Carcinoid crisis. Carcinoid crisis gây ra một đợt đỏ bừng nghiêm trọng, huyết áp thấp, lú lẫn và khó thở. Carcinoid crisis có thể xảy ra ở những người có khối u carcinoid khi họ tiếp xúc với một số tác nhân, bao gồm cả thuốc gây mê được sử dụng trong phẫu thuật. Carcinoid crisis có thể gây tử vong. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ carcinoid crisis.

Chẩn đoán hội chứng carcinoid

Bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh để loại trừ các nguyên nhân khác gây đỏ bừng da và tiêu chảy. Nếu không tìm thấy nguyên nhân nào khác, bác sĩ có thể nghi ngờ hội chứng carcinoid.

Để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm tiếp theo, bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu. Nước tiểu của bạn có thể chứa một chất được tạo ra khi cơ thể phân hủy serotonin. Lượng dư thừa chất này có thể cho thấy cơ thể bạn đang xử lý serotonin phát sinh thêm. Serotonin là chất hóa học mà các khối u carcinoid thường tiết ra.
  • Xét nghiệm máu. Máu của bạn có thể chứa hàm lượng cao một số chất được giải phóng bởi một số khối u carcinoid.
  • Xét nghiệm bằng hình ảnh. Các xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để xác định vị trí khối u carcinoid nguyên phát và xác định xem nó có lan rộng hay không. Bác sĩ có thể bắt đầu bằng chụp CT bụng của bạn, bởi vì hầu hết các khối u carcinoid được tìm thấy trong đường tiêu hóa. Các kỹ thuật chụp ảnh khác, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ hoặc quét y học hạt nhân, có thể hữu ích trong một số ca bệnh.
  • Đưa ống soi hoặc máy ảnh vào để xem bên trong cơ thể bạn. Bác sĩ có thể sử dụng một ống dài, mỏng được trang bị ống kính hoặc máy ảnh để kiểm tra các khu vực bên trong cơ thể bạn.Nội soi, là việc đưa một ống soi qua cổ họng của bạn, có thể giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong đường tiêu hóa. Nội soi phế quản, là phương pháp sử dụng một ống soi đưa xuống cổ họng và đi vào phổi, có thể giúp tìm ra các khối u carcinoid ở phổi. Việc đưa ống soi qua trực tràng (colonoscopy) có thể giúp chẩn đoán khối u carcinoid trực tràng.
  • Lấy mẫu mô để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (sinh thiết). Một mẫu mô từ khối u sẽ được thu thập để khẳng định chẩn đoán. Kiểu sinh thiết sẽ tùy thuộc vào vị trí của khối u.

Điều trị hội chứng carcinoid

Việc điều trị hội chứng carcinoid bao gồm việc điều trị ung thư và sử dụng thuốc để kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật. Phẫu thuật để cắt bỏ ung thư hoặc phần lớn ung thư có thể là một lựa chọn.
  • Thuốc ngăn chặn tế bào ung thư tiết ra hóa chất. Việc tiêm thuốc octreotide (Sandostatin) và lanreotide (Somatuline Depot) có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng carcinoid, bao gồm đỏ bừng da và tiêu chảy. Một loại thuốc gọi là telotristat (Xermelo) có thể được kết hợp với các thuốc này để kiểm soát tình trạng tiêu chảy do hội chứng carcinoid gây ra.
  • Thuốc phát xạ trực tiếp vào các tế bào ung thư. Liệu pháp hạt nhân phóng xạ thụ thể peptide (peptide receptor radionuclide therapy; viết tắt: PRRT) sử dụng một loại thuốc tìm kiếm các tế bào ung thư và có một chất phóng xạ để giết chết chúng. Trong PRRT dành cho các khối u carcinoid, thuốc được tiêm vào cơ thể, rồi di chuyển đến các tế bào ung thư, liên kết với các tế bào và phóng xạ trực tiếp vào chúng. Liệu pháp này được sử dụng ở những người bị ung thư tiến triển, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Ngừng cung cấp máu cho khối u ở gan. Trong một phương pháp được gọi là thuyên tắc động mạch gan (hepatic artery embolization), bác sĩ sẽ nhét một ống thông qua một cây kim được chọc ở gần háng, rồi luồn nó vào động mạch chính mang máu đến gan (động mạch gan). Sau đó bác sĩ tiêm các hạt được thiết kế để làm tắc nghẽn động mạch gan và cắt đứt nguồn cung cấp máu cho các tế bào ung thư đã lan đến gan. Các tế bào gan khỏe mạnh tồn tại nhờ máu từ các mạch máu khác.
  • Tiêu diệt tế bào ung thư trong gan bằng nhiệt nóng hoặc lạnh. Phương pháp cắt bỏ bằng tần số vô tuyến (radiofrequency ablation) sẽ truyền nhiệt nóng qua một cây kim đến các tế bào ung thư trong gan, khiến các tế bào chết đi. Phương pháp áp lạnh (cryotherapy) cũng tương tự, nhưng nó hoạt động bằng cách đóng băng khối u.
  • Hóa trị. Hóa trị sử dụng thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được truyền qua tĩnh mạch hoặc ở dạng thuốc viên, hoặc có thể sử dụng cả hai phương pháp.

Chăm sóc tại nhà

Hãy trao đổi với bác sĩ về các biện pháp tự chăm sóc và cải thiện các triệu chứng. Các biện pháp tự chăm sóc không thể thay thế việc điều trị, nhưng chúng có thể bổ sung cho việc điều trị. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên:

  • Tránh những thứ gây đỏ bừng da. Một số chất hoặc tình huống, chẳng hạn như rượu bia hoặc bữa ăn lớn, có thể gây đỏ bừng mặt. Hãy theo dõi những nguyên nhân khiến bạn đỏ bừng mặt và cố gắng tránh chúng.
  • Cân nhắc uống vitamin tổng hợp. Tiêu chảy mãn tính khiến cơ thể bạn khó xử lý các vitamin và chất dinh dưỡng trong thực phẩm bạn ăn. Hỏi bác sĩ xem việc uống vitamin tổng hợp có hữu ích cho bạn không.

Đối phó và hỗ trợ

Việc mắc hội chứng carcinoid sẽ khiến bạn thêm mệt mỏi và căng thẳng, bên cạnh việc điều trị ung thư. Hãy thử thực hiện các biện pháp sau:

  • Tìm hiểu đầy đủ về hội chứng carcinoid để đưa ra quyết định về việc điều trị. Đặt câu hỏi cho bác sĩ về tình trạng của bạn. Yêu cầu các thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn giới thiệu các nguồn thông tin để bạn tìm hiểu thêm.Việc hiểu rõ về tình trạng của mình sẽ giúp bạn có thể tham gia nhiều hơn vào việc đưa ra các quyết định điều trị và chăm sóc.
  • Nói chuyện với những người khác mắc hội chứng carcinoid. Các nhóm hỗ trợ cho những người mắc hội chứng carcinoid sẽ giúp bạn liên lạc với những người đã đối mặt với những thách thức giống như bạn đang gặp phải.Hỏi bác sĩ của bạn về các nhóm trong khu vực của bạn. Tuy nhiên, hội chứng carcinoid rất hiếm gặp, vì vậy bạn có thể cần kết nối với những người bên ngoài khu vực của mình, hoặc kết nối trực tuyến.
  • Chăm sóc bản thân. Làm những gì bạn có thể để duy trì một lối sống lành mạnh. Ăn một chế độ ăn uống đầy đủ trái cây và rau quả. Khi bạn cảm thấy phù hợp, hãy đưa các bài tập thể dục nhẹ vào thói quen hàng ngày của bạn. Giảm bớt căng thẳng khi có thể. Ngủ đủ giấc. Chăm sóc cơ thể và tâm trí của bạn để bạn có thể tuân thủ kế hoạch điều trị ung thư tốt hơn.

Chuẩn bị cho cuộc hẹn khám

Đầu tiên, bạn có thể gặp bác sĩ chính nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng carcinoid. Tùy thuộc vào kết quả khám ban đầu, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên điều trị ung thư, bác sĩ chuyên khoa về rối loạn hệ thống nội tiết (bác sĩ nội tiết), hoặc bác sĩ phẫu thuật.

Dưới đây là hướng dẫn giúp bạn chuẩn bị cho buổi khám của mình.

Những gì bạn nên làm

  • Lưu ý về những điều cần hạn chế trước cuộc hẹn khám. Vào thời điểm bạn đặt lịch hẹn, hãy nhớ hỏi trước xem bạn có cần làm gì không, chẳng hạn như hạn chế chế độ ăn uống của bạn.
  • Ghi lại bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải, ngay cả khi chúng có vẻ không liên quan đến lý do bạn lên lịch cuộc hẹn.
  • Ghi lại những thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm cả những thay đổi trong cuộc sống gần đây, hoặc những căng thẳng lớn.
  • Liệt kê tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm bổ sung mà bạn hiện đang dùng, hoặc đã dùng gần đây.
  • Đưa một thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng. Đôi khi có thể khó nhớ tất cả các thông tin được cung cấp trong một cuộc hẹn. Ai đó đi cùng bạn có thể ghi nhớ điều gì đó mà bạn đã bỏ lỡ hoặc quên.
  • Viết ra một danh sách các câu hỏi để hỏi bác sĩ.

Thời gian của bạn với bác sĩ là có hạn, vì vậy việc chuẩn bị một danh sách các câu hỏi có thể giúp bạn thu thập thật nhiều thông tin. Hãy liệt kê các câu hỏi của bạn từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Đối với hội chứng carcinoid, những câu hỏi cơ bản cần hỏi bác sĩ bao gồm:

  • Điều gì có khả năng gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi?
  • Ngoài nguyên nhân có thể xảy ra nhất, có thể có nguyên nhân nào khác?
  • Tôi cần những loại xét nghiệm nào?
  • Tình trạng của tôi có khả năng là tạm thời hay mãn tính?
  • Các lựa chọn thay thế cho phương pháp chính mà bác sĩ đang đề xuất là gì?
  • Tôi có các bệnh lý khác. Làm thế nào để tôi quản lý các bệnh lý này cùng nhau một cách tốt nhất ?
  • Tôi có cần tuân theo những hạn chế nào không ?
  • Có thuốc thay thế nào cho thuốc mà bác sĩ đang kê đơn cho tôi không?

Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác.

Những gì bác sĩ sẽ hỏi

Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy chuẩn bị sẵn những câu trả lời cho chúng, để dành thời gian thảo luận những điều khác mà bạn muốn. Bác sĩ có thể hỏi những câu sau:

  • Lần đầu tiên bạn cảm thấy các triệu chứng là khi nào?
  • Các triệu chứng của bạn diễn ra liên tục hay thỉnh thoảng?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng như thế nào ?
  • Điều gì dường như làm giảm bớt các triệu chứng của bạn?
  • Điều gì dường như làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn?

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất