Hội chứng tăng bạch cầu ái toan

Hội chứng tăng bạch cầu ái toan là gì?

Hội chứng tăng bạch cầu ái toan (hypereosinophilic) là một nhóm các rối loạn máu xảy ra khi bạn có số lượng bạch cầu ái toan cao. Bạch cầu ái toan còn được gọi là bạch cầu ưa axit (toan có nghĩa là axit); chúng là những tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Theo thời gian, lượng bạch cầu ái toan dư thừa xâm nhập vào các mô khác nhau, cuối cùng làm hỏng các cơ quan trong cơ thể.

Các cơ quan mà bạch cầu ái toan thường xâm nhập nhất là da, phổi, đường tiêu hóa, tim, máu và hệ thần kinh. Nếu không được điều trị, hội chứng tăng bạch cầu ái toan sẽ trở nên nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.

Triệu chứng tăng bạch cầu ái toan

Các triệu chứng ban đầu của hội chứng tăng bạch cầu ái toan thường bao gồm mệt mỏi, ho, khó thở, đau cơ, phát ban và sốt.

Hội chứng tăng bạch cầu ái toan
Triệu chứng của một người bị hội chứng tăng bạch cầu ái toan (hypereosinophilic syndrome)

Nguyên nhân gây hội chứng tăng bạch cầu ái toan

Một số kiểu của hội chứng tăng bạch cầu ái toan có xu hướng di truyền trong gia đình. Các kiểu khác có liên quan đến một số loại ung thư, nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Các yếu tố rủi ro

Hội chứng tăng bạch cầu ái toan có thể xảy ra với bất cứ ai. Nhưng nó xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới, thường ở độ tuổi từ 20 đến 50.

Chẩn đoán hội chứng tăng bạch cầu ái toan

Nhiều rối loạn có thể làm tăng lượng bạch cầu ái toan của bạn, bao gồm một số bệnh nhiễm trùng, dị ứng và phản ứng với thuốc. Khi cố gắng xác định xem bạn có mắc hội chứng tăng bạch cầu ái toan hay không, bác sĩ có thể sẽ hỏi về lịch sử du lịch của bạn và bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, để giúp loại trừ những nguyên nhân khác này.

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm

Bác sĩ của bạn cũng có thể cần thông tin từ một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu, để phát hiện các tình trạng tự miễn dịch, nhiễm ký sinh trùng hoặc các vấn đề về gan hoặc thận của bạn
  • Xét nghiệm dị ứng, để phát hiện sự dị ứng với môi trường hoặc thực phẩm
  • Xét nghiệm phân, để phát hiện nhiễm ký sinh trùng như giun móc
  • Xét nghiệm di truyền, để kiểm tra một đột biến gen có thể gây ra hội chứng tăng bạch cầu ái toan

Các xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm:

  • Chụp X-quang, để kiểm tra tình trạng phổi của bạn
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), để phát hiện các vấn đề ở ngực, bụng và xương chậu
  • Siêu âm tim hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), để đánh giá chức năng tim

Điều trị hội chứng tăng bạch cầu ái toan

Việc điều trị hội chứng tăng bạch cầu ái toan có mục đích làm giảm số lượng bạch cầu ái toan để ngăn ngừa tổn thương mô, đặc biệt là tim. Bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng, và nguyên nhân gây ra hội chứng này.

Nếu bạn không có triệu chứng và số lượng bạch cầu ái toan không cao, bạn có thể không cần điều trị gì, ngoài việc theo dõi chặt chẽ bất kỳ thay đổi nào liên quan đến hội chứng này.

Thuốc

Corticosteroid toàn thân, chẳng hạn như prednisone, là thuốc được lựa chọn đầu tiên. Các lựa chọn thuốc khác bao gồm:

  • Hydroxyurea (Droxia, Hydrea, Siklos)
  • Imatinib (Gleevec)
  • Vincristine

Bởi vì hội chứng tăng bạch cầu ái toan có thể làm tăng nguy cơ đông máu, bạn cũng có thể được kê đơn thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin).

Phẫu thuật và các thủ thuật khác

Nếu không có cách nào khác hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị cấy ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy xương.

Chuẩn bị cho cuộc hẹn khám

Trước tiên, bạn cần thông báo cho bác sĩ chính về các triệu chứng của mình. Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn, bạn có thể được giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa về bệnh máu, bệnh tim, hoặc dị ứng.

Cân nhắc đưa người thân hoặc bạn bè đến cuộc hẹn, để giúp ghi nhớ tất cả thông tin được cung cấp.

Dưới đây là một số thông tin giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn và những gì bác sĩ sẽ hỏi.

Những gì bạn nên làm để chuẩn bị

Trước khi tới khám, hãy lập một danh sách về:

  • Các dấu hiệu và triệu chứng, kể cả bất kỳ điều gì dường như không liên quan đến lý do đi khám
  • Bất kỳ loại thuốc nào, kể cả vitamin, thảo mộc và thuốc mua tự do mà bạn đang dùng và liều lượng của chúng
  • Những thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm mọi căng thẳng lớn hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống của bạn

Đối với hội chứng tăng bạch cầu ái toan, một số câu hỏi cơ bản cần hỏi bác sĩ bao gồm:

  • Tôi có cần xét nghiệm bổ sung không?
  • Có những lựa chọn điều trị nào?
  • Những lợi ích và rủi ro của mỗi phương pháp điều trị là gì?
  • Tôi có nên gặp thêm một chuyên gia khác không?

Những gì bác sĩ sẽ hỏi

Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy sẵn sàng trả lời chúng để có thời gian thảo luận về những điểm khác mà bạn muốn. Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi sau:

  • Lần đầu tiên bạn thấy có các triệu chứng là khi nào?
  • Các triệu chứng diễn ra liên tục hay thỉnh thoảng?
  • Các triệu chứng nghiêm trọng như thế nào?
  • Điều gì dường như cải thiện các triệu chứng?
  • Điều gì dường như làm trầm trọng thêm các triệu chứng?
  • Gần đây bạn có đi du lịch nước ngoài không?
  • Bạn có bất kỳ sự dị ứng nào, hoặc có bệnh da liễu nào không?
  • Bạn có tiếp xúc với bất kỳ ký sinh trùng nào không, chẳng hạn như giun móc?

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất