Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em

Tổng quan

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em là một chứng rối loạn giấc ngủ, trong đó hơi thở của trẻ bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi ngủ. Hơi thở có thể bị chặn lại nhiều lần trong một đêm. Tình trạng này xảy ra khi đường hô hấp trên bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn trong khi ngủ.

Có sự khác biệt giữa chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em và chứng ngưng thở khi ngủ ở người lớn. Trong khi người lớn thường buồn ngủ vào ban ngày thì trẻ em có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi. Nguyên nhân ở người lớn thường là béo phì, trong khi ở trẻ em, nguyên nhân thường là trẻ có adenoids và amiđan lớn hơn bình thường. Các adenoids là hai miếng mô nhỏ nằm ở phía sau mũi. Amiđan là hai miếng đệm hình bầu dục ở phía sau miệng.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển nhận thức và hành vi của trẻ.

Trẻ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Trẻ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em

Trong khi ngủ, các triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Ngáy.
  • Ngừng thở.
  • Khịt mũi, ho hoặc nghẹt thở.
  • Thở bằng miệng.
  • Đổ mồ hôi ban đêm.
  • Đái dầm.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn không phải lúc nào cũng ngáy. Chúng có thể chỉ bị rối loạn giấc ngủ.

Vào ban ngày, trẻ bị ngưng thở khi ngủ có thể:

  • Học tập kém ở trường.
  • Khó chú ý.
  • Có vấn đề về học tập.
  • Có vấn đề về hành vi.
  • Chậm tăng cân.
  • Hiếu động.

Khi nào cần đi khám

Hãy đưa con bạn đi khám nếu trẻ thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy mệt mỏi và thường xuyên có các vấn đề về hành vi.

Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Ở người lớn, béo phì là một yếu tố phổ biến gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Ở một số trẻ em, béo phì cũng góp phần gây ra chứng rối loạn này. Nhưng nguyên nhân chính của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em thường là amiđan và adenoids to. Các yếu tố tiềm ẩn khác có thể là dị tật bẩm sinh liên quan đến hình dạng của khuôn mặt hoặc đầu, hoặc các rối loạn thần kinh-cơ. Các rối loạn thần kinh-cơ ảnh hưởng đến cách hoạt động của cơ, bởi vì có các vấn đề về dây thần kinh và cơ trong cơ thể.

Amiđan và adenoids
Amiđan và adenoids

Các yếu tố rủi ro

Bên cạnh béo phì, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ trẻ em mắc chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Hội chứng Down.
  • Dị tật bẩm sinh ở hộp sọ hoặc khuôn mặt.
  • Bại não.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Bệnh thần kinh-cơ.
  • Sinh nhẹ cân.
  • Gia đình có người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Các biến chứng

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em có thể có các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Chậm lớn.
  • Các vấn đề về tim mạch.
  • Tử vong.

Chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em

Để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và bệnh sử của trẻ và tiến hành khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ xem xét đầu, cổ, mũi, miệng và lưỡi của trẻ. Bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng.

Các xét nghiệm bao gồm:

  • Đa ký giấc ngủ (polysomnogram). Đây là việc nghiên cứu về giấc ngủ qua đêm. Các cảm biến gắn lên cơ thể sẽ ghi lại sóng não, kiểu thở, tiếng ngáy, nồng độ oxy, nhịp tim và hoạt động của cơ khi trẻ ngủ.
  • Đo oxy (oximetry). Đo oxy là việc ghi lại nồng độ oxy qua đêm, có thể được thực hiện tại nhà. Mặc dù xét nghiệm này không thể khẳng định trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hay không, nhưng kết quả của nó có thể giúp bác sĩ quyết định xem có cần xét nghiệm thêm hay không.
Đa ký giấc ngủ (polysomnogram)
Đa ký giấc ngủ (polysomnogram)

Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em

Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp nhất cho chứng ngưng thở khi ngủ của con bạn. Việc điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc. Steroid tại chỗ dùng cho mũi, chẳng hạn như fluticasone (Flovent HFA, Xhance, các thuốc khác) và budesonide (Rhinocort, Pulmicort Flexhaler, các thuốc khác), có thể làm giảm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở một số trẻ bị tình trạng này nhẹ. Đối với trẻ em bị dị ứng, montelukast (Singulair) giúp làm giảm các triệu chứng khi sử dụng riêng, hoặc dùng với steroid đường mũi.
  • Cắt bỏ amiđan và adenoids. Đối với chứng ngưng thở khi ngủ từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể giới thiệu con bạn đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nhi khoa. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận về việc cắt bỏ amiđan và adenoids của con bạn. Phẫu thuật cắt amiđan có thể cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bằng cách mở đường thở. Các hình thức phẫu thuật đường hô hấp trên khác có thể được đề xuất, dựa trên tình trạng của trẻ.
  • Liệu pháp áp lực đường thở dương (positive airway pressure therapy). Trong phương pháp áp suất đường thở dương liên tục (continuous positive airway pressure; viết tắt: CPAP) và phương pháp áp suất đường thở dương hai mức (bilevel positive airway pressure; viết tắt: BPAP), các máy nhỏ nhẹ nhàng thổi không khí qua một ống gắn vào một mặt nạ. Mặt nạ được đeo vào mũi hoặc mũi và miệng của con bạn. Máy sẽ truyền áp suất không khí vào phía sau cổ họng của con bạn, để giữ cho đường thở của con bạn luôn thông thoáng. Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em thường được điều trị bằng liệu pháp áp lực đường thở dương khi thuốc hoặc việc cắt bỏ adenoids và amiđan không hiệu quả.

    Việc đeo mặt nạ đúng cách và đeo lại khi trẻ lớn lên có thể giúp trẻ chịu đựng được việc đeo mặt nạ lên mặt.

  • Các dụng cụ đường miệng. Bác sĩ có thể đề xuất cho trẻ sử dụng các dụng cụ đường miệng, chẳng hạn như thiết bị nha khoa hoặc ống ngậm. Các dụng cụ này giúp mở rộng vòm miệng và đường mũi. Chúng cũng có thể đẩy hàm dưới và lưỡi của trẻ về phía trước để giữ cho đường hô hấp trên của trẻ luôn thông thoáng. Tuy nhiên, các dụng cụ này chỉ hữu ích với một số trẻ em.
Áp lực đường thở dương liên tục (CPAP)
Áp lực đường thở dương liên tục (CPAP). Trong phương pháp áp suất đường thở dương liên tục (CPAP), một chiếc máy nhỏ nhẹ nhàng thổi không khí qua một ống gắn với một mặt nạ. Mặt nạ được đeo vào mũi hoặc cả mũi và miệng của trẻ. Phương pháp này giữ cho đường thở của trẻ luôn mở.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

  • Tránh các chất kích ứng đường thở và chất gây dị ứng. Tất cả trẻ em — đặc biệt là những trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn — nên tránh xa khói thuốc lá, các chất gây dị ứng hoặc chất ô nhiễm trong nhà. Chúng có thể gây kích ứng và tắc nghẽn đường thở.
  • Giảm cân. Nếu con bạn bị béo phì, bác sĩ có thể đề nghị giảm cân. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn và con bạn thông tin về chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp, hoặc giới thiệu con bạn đến các chuyên gia kiểm soát bệnh béo phì.

Chuẩn bị cho cuộc hẹn khám

Bạn có thể tới gặp bác sĩ chính của con bạn. Hoặc bạn có thể được giới thiệu ngay đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ.

Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn khám.

Bạn nên làm gì để chuẩn bị

Hãy lập danh sách về:

  • Các triệu chứng của con bạn, kể cả bất kỳ điều gì có vẻ không liên quan đến lý do đi khám.
  • Tất cả các thuốc, vitamin hoặc thực phẩm bổ sung mà con bạn dùng, bao gồm cả liều lượng.
  • Các câu hỏi để hỏi bác sĩ.

Đối với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em, bạn có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi cơ bản sau:

  • Những xét nghiệm nào là cần thiết?
  • Tình trạng này có khả năng tạm thời hay mãn tính?
  • Các lựa chọn thay thế cho phương pháp điều trị chính mà bác sĩ đang đề xuất là gì?
  • Tôi có nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa?

Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác.

Những gì bác sĩ sẽ hỏi

Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi như:

  • Con bạn có ngáy không?
  • Bạn đã quan sát thấy điều gì khác về giấc ngủ của con bạn?
  • Con bạn có vấn đề về tập trung, chú ý không?
  • Con bạn có gặp khó khăn trong học tập không?
  • Gia đình bạn có người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn không?

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất