Triệu chứng và chẩn đoán sa trực tràng

Sa trực tràng là gì?

Sa trực tràng (rectal prolapse) là tình trạng một phần của trực tràng (phần thấp nhất của ruột già) trượt ra ngoài hậu môn (lỗ hở ở phần cuối của đường tiêu hóa). Mặc dù chứng sa trực tràng có thể gây khó chịu nhưng nó hiếm khi là trường hợp nguy cấp.

Trong một số trường hợp, chứng sa trực tràng có thể được điều trị bằng thuốc làm mềm phân, thuốc đạn và các loại thuốc khác. Nhưng phẫu thuật thường là cần thiết để điều trị chứng sa trực tràng.

Triệu chứng và chẩn đoán sa trực tràng
Chứng sa trực tràng. Chứng sa trực tràng xảy ra khi trực tràng bị kéo căng và chui ra khỏi hậu môn. Hình vẽ bên trái thể hiện trực tràng bình thường. Hình vẽ bên phải thể hiện chứng sa trực tràng.

Triệu chứng sa trực tràng

Nếu bạn bị sa trực tràng, bạn có thể nhận thấy một khối màu đỏ thò ra từ hậu môn, thường là khi bạn rặn lúc đi đại tiện. Khối này thể trượt trở lại vào trong hậu môn, hoặc có thể vẫn nhìn thấy được.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đại tiện không tự chủ (không có khả năng kiểm soát việc đại tiện)
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Rò rỉ máu hoặc chất nhầy từ trực tràng
  • Cảm thấy rằng trực tràng của bạn không trống rỗng sau khi đi tiêu

Nguyên nhân của chứng sa trực tràng

Nguyên nhân gây sa trực tràng là không rõ ràng. Mặc dù người ta thường cho rằng sa trực tràng có liên quan đến việc sinh nở, nhưng khoảng một phần ba phụ nữ bị sa trực tràng chưa bao giờ có con.

Các yếu tố rủi ro

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sa trực tràng, bao gồm:

  • Giới tính. Phần lớn những người bị sa trực tràng là phụ nữ.
  • Tuổi tác. Sa trực tràng phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.

Chẩn đoán sa trực tràng

Đôi khi có thể khó phân biệt sa trực tràng với bệnh trĩ. Để giúp chẩn đoán sa trực tràng và loại trừ các bệnh lý liên quan khác, bác sĩ có thể đề xuất:

  • Kiểm tra trực tràng bằng ngón tay. Bác sĩ sẽ đút một ngón tay đã đeo găng và bôi trơn vào trực tràng của bạn để đánh giá sức mạnh của cơ vòng, và tìm xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng trực tràng hay không. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cúi xuống để kiểm tra xem có bị sa trực tràng hay không.
  • Đo sự vận động của hậu môn. Một ống hẹp, linh hoạt được nhét vào hậu môn và trực tràng. Một quả bóng nhỏ ở đầu ống sẽ được làm phồng ra. Việc kiểm tra này sẽ đo độ bó sát của cơ vòng hậu môn, độ nhạy và chức năng của trực tràng.
  • Nội soi đại tràng. Để loại trừ các bệnh lý khác, chẳng hạn như polyp hoặc ung thư ruột kết, bạn có thể được nội soi, trong đó một ống mềm được đưa vào trực tràng để kiểm tra toàn bộ ruột kết.
  • Chụp ảnh khi trực tràng bài tiết (defecography). Phương pháp này kết hợp việc sử dụng chất tương phản với nghiên cứu hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Defecography có thể giúp tiết lộ những thay đổi về cấu trúc trong và xung quanh đường tiêu hóa dưới, và cho thấy cơ trực tràng hoạt động tốt như thế nào.

Điều trị sa trực tràng

Việc điều trị sa trực tràng thường là phẫu thuật. Các phương pháp điều trị khác bao gồm các liệu pháp điều trị táo bón khác nhau, bao gồm thuốc làm mềm phân, thuốc đạn và các thuốc khác. Có một số phương pháp phẫu thuật khác nhau để điều trị sa trực tràng. Bác sĩ sẽ chọn phương pháp tốt nhất cho bạn sau khi xem xét tuổi tác, tình trạng thể chất và chức năng ruột của bạn.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất