U máu (hemangioma): triệu chứng và điều trị

U máu là gì?

U máu (hemangioma, hay còn gọi là u mạch máu) là một vết bớt màu đỏ tươi xuất hiện khi mới sinh, hoặc trong tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai sau khi sinh. Khối u máu trông giống như một cục sưng mềm và được tạo thành từ các mạch máu thừa trên da.

U máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường xuất hiện nhiều nhất trên mặt, da đầu, ngực hoặc lưng. Việc điều trị u mạch máu ở trẻ sơ sinh thường không cần thiết, vì nó sẽ mất dần theo thời gian. Một đứa trẻ mắc bệnh lý này trong thời thơ ấu thường có rất ít dấu vết khối u có thể nhìn thấy được khi trẻ 10 tuổi. Bạn có thể cân nhắc điều trị nếu u mạch máu cản trở khả năng nhìn, thở hoặc các chức năng khác.

U máu (hemangioma): triệu chứng và điều trị
U máu (hemangioma). U mạch máu ở trẻ sơ sinh là một vết bớt bao gồm một nhóm mạch máu dày đặc bất thường. U máu xuất hiện trên bề mặt da dưới dạng một cục mềm.

Triệu chứng của u máu

U máu có thể xuất hiện khi mới sinh, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn trong vài tháng đầu đời. Nó bắt đầu như một vết đỏ phẳng ở bất cứ đâu trên cơ thể, thường là trên mặt, da đầu, ngực hoặc lưng. Thông thường một đứa trẻ chỉ có một vết đỏ này. Một số trẻ có thể có nhiều hơn một vết, đặc biệt nếu chúng thuộc trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba.

Trong năm đầu tiên của trẻ, vết đỏ phát triển nhanh chóng thành một cục sưng mềm, nhô ra khỏi da. Sau đó cục sưng này ngừng to ra, và cuối cùng, nó bắt đầu biến mất dần dần.

Nhiều u mạch máu biến mất khi trẻ 5 tuổi và hầu hết biến mất ở tuổi 10. Da có thể hơi đổi màu hoặc phồng lên sau khi cục u máu biến mất.

Khi nào cần đi khám

Bác sĩ của con bạn sẽ theo dõi u máu trong các lần kiểm tra định kỳ. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu u máu chảy máu, tạo thành vết loét hoặc có vẻ bị nhiễm trùng.

Hãy đi khám và xử lý nếu cục u máu cản trở tầm nhìn, động tác thở, thính giác hoặc hoạt động bài tiết của con bạn.

Nguyên nhân

U mạch máu được tạo thành từ các mạch máu thừa, nhóm lại với nhau thành một khối dày đặc. Các bác sĩ chưa biết điều gì khiến các mạch máu co cụm lại với nhau.

Các yếu tố rủi ro

U máu xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ sơ sinh là nữ và trẻ sinh non.

Các biến chứng của u máu

Đôi khi, u máu có thể bị vỡ và phát triển thành vết loét. Khi đó, con bạn sẽ cảm thấy đau, chảy máu, có sẹo hoặc bị nhiễm trùng. Tùy thuộc vào vị trí của u mạch máu, nó có thể ảnh hưởng đến thị lực, hô hấp, thính giác hoặc hoạt động bài tiết của con bạn, nhưng trường hợp này rất hiếm.

Chẩn đoán u máu

Bác sĩ thường chẩn đoán u mạch máu chỉ bằng cách nhìn vào nó. Các xét nghiệm thường không cần thiết.

Điều trị u máu

Điều trị u máu thường không cần thiết vì chúng tự biến mất theo thời gian. Nhưng nếu u máu ảnh hưởng đến thị lực hoặc gây ra các vấn đề khác, các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật bằng tia laze:

  • Thuốc chẹn beta. Đối với các u mạch máu nhỏ ở ngoài da, có thể bôi một loại gel có chứa thuốc timolol lên vùng da bị ảnh hưởng. U máu nặng ở trẻ sơ sinh có thể biến mất nếu được điều trị bằng dung dịch đường uống propranolol. Việc điều trị thường cần được tiếp tục cho đến khi trẻ khoảng 1 tuổi. Các tác dụng phụ có thể bao gồm lượng đường trong máu cao, huyết áp thấp và thở khò khè.
  • Thuốc corticosteroid. Đối với những trẻ không đáp ứng với việc điều trị bằng thuốc chẹn beta, hoặc không thể sử dụng chúng, corticosteroid có thể là một lựa chọn. Chúng có thể được tiêm vào cục u hoặc bôi lên da. Tác dụng phụ có thể bao gồm chậm lớn và mỏng da.
  • Phẫu thuật bằng tia laze. Trong một số trường hợp, phẫu thuật laser có thể loại bỏ một cục u máu nhỏ và mỏng, hoặc điều trị vết loét trên cục u máu.
U máu (hemangioma) trước và sau khi được điều trị
U máu (hemangioma) trước và sau khi được điều trị

Nếu bạn đang cân nhắc điều trị u mạch máu cho con mình, hãy cân nhắc những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp điều trị với bác sĩ. Lưu ý rằng hầu hết các u máu ở trẻ sơ sinh đều tự biến mất trong thời thơ ấu và các phương pháp điều trị đều có các tác dụng phụ tiềm ẩn.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất