Viêm nội tâm mạc: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Tổng quan

Viêm nội tâm mạc (endocarditis) là tình trạng viêm lớp lót bên trong của các buồng tim và van tim gây nguy hiểm đến tính mạng. Lớp lót này được gọi là nội tâm mạc (endocardium).

Viêm nội tâm mạc thường bị gây ra bởi nhiễm trùng. Vi khuẩn, nấm hoặc vi trùng khác xâm nhập vào máu và bám vào những vùng bị hư hại trong tim. Những người phải dùng van tim nhân tạo, hoặc có van tim bị hư hại hoặc các dị tật tim khác dễ bị viêm nội tâm mạc hơn.

Nếu không điều trị nhanh chóng, viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng hoặc phá hủy van tim. Phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc bao gồm thuốc và phẫu thuật.

Viêm nội tâm mạc: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm nội tâm mạc (endocarditis). Bệnh viêm nội tâm mạc xảy ra khi vi khuẩn hoặc vi trùng khác xâm nhập vào máu và di chuyển đến tim. Sau đó, vi trùng sau bám vào van tim bị hư hại hoặc mô tim bị hư hại.

Triệu chứng viêm nội tâm mạc

Các triệu chứng của viêm nội tâm mạc có thể khác nhau từ người này sang người khác. Viêm nội tâm mạc có thể phát triển chậm hoặc đột ngột. Nó phụ thuộc vào loại vi trùng gây nhiễm trùng và liệu có các vấn đề về tim khác hay không.

Các triệu chứng phổ biến của viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Đau khớp và cơ bắp
  • Đau ngực khi thở
  • Mệt mỏi
  • Các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt và ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi ban đêm
  • Hụt hơi
  • Sưng phù ở bàn chân, chân hoặc bụng
  • Có tiếng thổi trong tim

Các triệu chứng viêm nội tâm mạc ít phổ biến hơn là:

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Có máu trong nước tiểu
  • Đau dưới lồng ngực trái (lách)
  • Có những đốm phẳng màu đỏ, tím hoặc nâu không đau ở lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay (tổn thương Janeway)
  • Có những vết sưng hoặc mảng da sẫm màu, có đau (tăng sắc tố) trên đầu ngón tay hoặc ngón chân (các nốt Osler)
  • Có những đốm tròn nhỏ màu tím, đỏ hoặc nâu trên da (chấm xuất huyết), trong lòng trắng của mắt hoặc bên trong miệng

Khi nào bạn cần đi khám?

Nếu bạn có các triệu chứng của viêm nội tâm mạc, hãy đi khám càng sớm càng tốt — đặc biệt nếu bạn bị khuyết tật tim bẩm sinh hoặc có tiền sử viêm nội tâm mạc. Các bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Bạn cần được bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Nếu bạn đã được chẩn đoán bị viêm nội tâm mạc và có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy nói với bác sĩ của bạn. Những triệu chứng sau có thể có nghĩa là nhiễm trùng đang trở nên tồi tệ hơn:

  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Nhức đầu
  • Đau khớp
  • Hụt hơi

Nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc

Viêm nội tâm mạc bị gây ra bởi nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc vi trùng khác. Vi trùng xâm nhập vào dòng máu và di chuyển đến tim. Trong tim, chúng bám vào van tim bị hư hại hoặc mô tim bị hư hại.

Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn có hại nào xâm nhập vào máu. Tuy nhiên, vi khuẩn trên da hoặc trong miệng, cổ họng hoặc ruột có thể xâm nhập vào máu và gây viêm nội tâm mạc trong những điều kiện phù hợp với chúng.

Các yếu tố rủi ro

Nhiều yếu tố khác nhau có thể khiến vi trùng xâm nhập vào máu và dẫn đến viêm nội tâm mạc. Van tim bị lỗi, bị bệnh hoặc bị hư hỏng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Tuy nhiên, viêm nội tâm mạc có thể xảy ra ở những người không có vấn đề về van tim.

Các nguy cơ làm tăng khả năng bị viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Cao tuổi. Viêm nội tâm mạc xảy ra thường xuyên nhất ở người lớn trên 60 tuổi.
  • Van tim nhân tạo. Vi trùng có nhiều khả năng bám vào van tim nhân tạo (van giả) hơn là van tim thông thường.
  • Van tim bị hư hại. Một số bệnh lý, chẳng hạn như sốt thấp khớp hoặc nhiễm trùng, có thể làm hư hại hoặc để lại sẹo trong một hoặc nhiều van tim, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tiền sử viêm nội tâm mạc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Dị tật tim bẩm sinh. Sinh ra với một số loại dị tật tim, chẳng hạn như tim không đều hoặc van tim bị tổn thương, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tim.
  • Thiết bị cho tim được cấy ghép. Vi khuẩn có thể bám vào một thiết bị cấy ghép, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim, gây nhiễm trùng màng tim.
  • Tiêm chích ma túy. Sử dụng kim tiêm bẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng như viêm nội tâm mạc. Bơm kim tiêm nhiễm bẩn là điều rất đáng lo ngại đối với những người tiêm chích ma túy, chẳng hạn như tiêm chích heroin hoặc cocain.
  • Sức khỏe răng miệng kém. Miệng và nướu khỏe mạnh là điều cần thiết để có một sức khỏe tốt. Nếu bạn không chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, vi khuẩn sẽ phát triển bên trong miệng và có thể xâm nhập vào máu của bạn thông qua vết rách trên nướu. Một số thủ thuật nha khoa cắt vào nướu cũng có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu.
  • Sử dụng ống thông trong thời gian dài. Ống thông là một ống mỏng được sử dụng để thực hiện một số thủ thuật y tế. Đặt ống thông trong một thời gian dài (indwelling catheter) làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.
Các buồng và van của tim.
Các buồng và van của tim. Một quả tim bình thường có hai buồn trên và hai buồng dưới. Các buồng trên – gọi là tâm nhĩ (atrium) phải và trái – nhận máu đến. Các buồng dưới – gọi là tâm thất (ventricle) phải và trái – bơm máu ra khỏi tim. Các van tim là những cửa ở các lỗ mở của buồng tim (đối với van ba lá và van hai lá) và lối ra (đối với van động mạch phổi và van động mạch chủ). Các van tim giữ cho máu chảy đúng hướng.

Biến chứng từ viêm nội tâm mạc

Trong bệnh viêm nội tâm mạc, sự phát triển bất thường của vi trùng và các mảnh tế bào tạo thành một khối trong tim. Khối này có thể vỡ ra và di chuyển đến não, phổi, thận và các cơ quan khác. Các mảnh vỡ cũng có thể đi đến cánh tay và chân.

Các biến chứng của viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Suy tim
  • Tổn thương van tim
  • Đột quỵ
  • Túi mủ tích tụ (áp xe) hình thành trong tim, não, phổi và các cơ quan khác
  • Cục máu đông trong động mạch phổi (thuyên tắc phổi)
  • Tổn thương thận
  • Lá lách to

Phòng ngừa viêm nội tâm mạc

Bạn có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc:

  • Biết các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc. Hãy đi gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào — đặc biệt là sốt không thuyên giảm, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, bất kỳ loại nhiễm trùng da, vết cắt hở hoặc vết loét nào lâu không lành.
  • Chăm sóc răng và nướu của bạn. Chải răng và làm sạch nướu thường xuyên. Khám răng định kỳ. Vệ sinh răng miệng tốt là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể của bạn.
  • Không tiêm chích ma túy. Kim tiêm bẩn có thể đưa vi khuẩn vào máu, làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.

Thuốc kháng sinh phòng ngừa

Một số thủ thuật nha khoa và y tế có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu của bạn.

Nếu bạn có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên bạn nên dùng thuốc kháng sinh một giờ trước khi thực hiện bất kỳ công việc nha khoa nào.

Bạn có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc và cần dùng thuốc kháng sinh trước khi làm răng nếu bạn có:

  • Tiền sử viêm nội tâm mạc
  • Van tim nhân tạo
  • Được ghép tim, trong một số trường hợp
  • Một số loại bệnh tim bẩm sinh
  • Được phẫu thuật điều trị bệnh tim bẩm sinh trong 6 tháng qua

Nếu bạn bị viêm nội tâm mạc hoặc bất kỳ loại bệnh tim bẩm sinh nào, hãy hỏi nha sĩ và các bác sĩ khác về những rủi ro của bạn và liệu bạn có cần dùng kháng sinh phòng ngừa hay không.

Chẩn đoán viêm nội tâm mạc

Để chẩn đoán bệnh viêm nội tâm mạc, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và đặt câu hỏi về tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn. Các xét nghiệm sẽ được thực hiện để giúp xác nhận hoặc loại trừ viêm nội tâm mạc.

Các xét nghiệm

Các xét nghiệm được sử dụng để giúp chẩn đoán viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Xét nghiệm nuôi cấy máu (blood culture). Xét nghiệm này giúp xác định vi trùng trong máu. Kết quả từ xét nghiệm này giúp xác định thuốc kháng sinh hoặc phối hợp thuốc kháng sinh để sử dụng trong điều trị.
  • Công thức máu toàn bộ (complete blood count), hay còn gọi là huyết đồ. Xét nghiệm này xác định xem có nhiều tế bào bạch cầu hay không, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Công thức máu toàn bộ cũng giúp chẩn đoán mức độ thấp của các tế bào hồng cầu khỏe mạnh (thiếu máu), đây có thể là dấu hiệu của viêm nội tâm mạc. Các xét nghiệm máu khác cũng có thể được thực hiện.
  • Siêu âm tim. Sóng âm thanh được sử dụng để tạo ra hình ảnh của trái tim đang đập. Xét nghiệm này cho biết các buồng và van của tim bơm máu tốt như thế nào. Nó cũng có thể cho thấy cấu trúc của tim. Bác sĩ của bạn có thể sử dụng hai kiểu siêu âm tim khác nhau để giúp chẩn đoán viêm nội tâm mạc: siêu âm tim tiêu chuẩn và siêu âm tim qua thực quản.

    Trong siêu âm tim tiêu chuẩn (qua thành ngực): một thiết bị giống như cây đũa (đầu dò) được di chuyển trên vùng ngực. Thiết bị này hướng các sóng âm thanh vào tim và ghi lại chúng khi chúng dội ngược trở lại.

    Trong siêu âm tim qua thực quản, một ống linh hoạt có chứa đầu dò được dẫn qua cổ họng và đi vào trong thực quản (ống nối miệng với dạ dày). Phương pháp siêu âm tim qua thực quản cung cấp nhiều hình ảnh chi tiết hơn về tim so với siêu âm tim tiêu chuẩn.

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). Xét nghiệm nhanh chóng và không đau này đo hoạt động điện của tim. Trong phương pháp điện tâm đồ, các cảm biến (điện cực) được gắn vào ngực và đôi khi vào cánh tay hoặc chân. Xét nghiệm này không phải dành riêng cho việc chẩn đoán viêm nội tâm mạc, nhưng nó có thể cho biết liệu có điều gì đó ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim hay không.
  • X-quang ngực. Chụp X-quang ngực cho thấy tình trạng của phổi và tim. Ảnh chụp X-quang có thể giúp xác định xem viêm nội tâm mạc có gây sưng tim hay không, hoặc liệu có bất kỳ nhiễm trùng nào đã lan đến phổi hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Bạn có thể cần quét não, ngực hoặc các bộ phận khác của cơ thể nếu bác sĩ cho rằng nhiễm trùng đã lan đến những khu vực này.

Chuẩn bị cho việc đi khám

Khi đến khám, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ hoặc chuyên gia phẫu thuật được đào tạo về chẩn đoán và điều trị bệnh tim (bác sĩ tim mạch).

Bạn nên làm gì để chuẩn bị

Bạn có thể chuẩn bị cho buổi khám của mình bằng cách thực hiện các bước sau:

  • Viết ra bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải. Bạn đã có những triệu chứng đó từ bao lâu. Nếu trước đây bạn từng có các triệu chứng tương tự xuất hiện rồi biến mất, hãy cung cấp thông tin đó.
  • Lập danh sách các thông tin y tế quan trọng. Viết ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào gần đây mà bạn gặp phải. Liệt kê tên của tất cả các thuốc và thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng, kể cả liều lượng.
  • Yêu cầu một thành viên gia đình hoặc một người bạn đi cùng bạn đến buổi khám. Ai đó đi cùng bạn có thể giúp ghi nhớ những gì bác sĩ nói.

Điều quan trọng nữa là viết ra bất kỳ câu hỏi nào bạn muốn hỏi khi đi khám. Đối với bệnh viêm nội tâm mạc, một số câu hỏi cơ bản bạn nên hỏi bác sĩ là:

  • Nguyên nhân có khả năng nhất gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
  • Tôi cần những loại xét nghiệm nào? Tôi cần chuẩn bị như thế nào cho các xét nghiệm?
  • Bác sĩ đề xuất phương pháp điều trị nào?
  • Bao lâu sau khi tôi bắt đầu điều trị, tôi sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn?
  • Các tác dụng phụ có thể xảy ra là gì?
  • Tôi có nguy cơ bị biến chứng lâu dài từ bệnh này không? Bệnh có tái phát không?
  • Tôi cần tái khám sau bao lâu?
  • Tôi có cần dùng thuốc kháng sinh dự phòng cho một số thủ thuật y tế hoặc nha khoa không?
  • Tôi có các bệnh lý khác. Tôi sẽ quản lý các bệnh này cùng nhau như thế nào?

Những gì bác sĩ sẽ hỏi bạn

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi, bao gồm:

  • Những triệu chứng của bạn là gì?
  • Các triệu chứng của bạn bắt đầu khi nào? Chúng xuất hiện đột ngột hay dần dần?
  • Bạn có các triệu chứng như vậy trong quá khứ không ?
  • Bạn có bị khó thở không?
  • Gần đây bạn có bị nhiễm trùng không?
  • Gần đây bạn có bị sốt không?
  • Gần đây bạn có thực hiện bất kỳ thủ thuật y tế hoặc nha khoa nào sử dụng kim tiêm hoặc ống thông không?
  • Bạn có bao giờ tiêm chích ma túy không?
  • Gần đây bạn đã giảm cân mà không cần cố gắng?
  • Bạn có được chẩn đoán mắc chứng bệnh nào không, đặc biệt là tiếng thổi trong tim?
  • Có bất kỳ người thân ruột thịt nào của bạn – chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái – có tiền sử bệnh tim không?

Điều trị viêm nội tâm mạc

Nhiều người bị viêm nội tâm mạc được điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh. Đôi khi, phẫu thuật có thể cần thiết để sửa chữa hoặc thay thế van tim bị hư hại và loại bỏ bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào còn sót lại.

Thuốc

Loại thuốc bạn nhận được phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm nội tâm mạc.

Kháng sinh liều cao được sử dụng để điều trị viêm nội tâm mạc do vi khuẩn. Nếu bạn dùng thuốc kháng sinh, thông thường bạn sẽ ở lại bệnh viện một tuần hoặc hơn để các bác sĩ xác định xem việc điều trị có hiệu quả hay không.

Sau khi cơn sốt và bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào của bạn biến mất, bạn có thể xuất viện. Một số người tiếp tục được cho dùng thuốc kháng sinh sau khi xuất viện. Bạn thường cần dùng thuốc kháng sinh trong vài tuần.

Nếu viêm nội tâm mạc do nhiễm nấm gây ra, thuốc kháng nấm sẽ được dùng. Một số người cần dùng thuốc kháng nấm suốt đời để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc quay trở lại.

Phẫu thuật

Phẫu thuật van tim có thể cần thiết để điều trị nhiễm trùng viêm nội tâm mạc dai dẳng hoặc để thay van bị hư hại. Phẫu thuật đôi khi cần thiết để điều trị viêm nội tâm mạc do nhiễm nấm.

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn, bác sĩ có thể đề nghị sửa chữa hoặc thay thế van tim. Khi thay van tim, có các lựa chọn dùng van cơ học hoặc van làm từ mô tim bò, lợn hoặc người (van làm bằng mô sinh học).

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất